Sáng 31/10, mặc dù 8h chương trình đối thoại với lãnh đạo Đà Nẵng tại Nhà sinh hoạt cộng đồng Đà Sơn (phường Hòa Khánh Nam, Liên Chiểu) mới bắt đầu, nhưng từ sớm nhiều người đã có mặt. Có cụ già chống gậy nhờ thanh niên tình nguyện dắt vào hội trường. Họ chờ đợi được bày tỏ bức xúc của mình.
Sống chung với ruồi muỗi, mùi hôi thối là thực trạng mà hàng trăm hộ dân xung quanh bãi rác Khánh Sơn phải gánh chịu suốt 24 năm qua. Cực chẳng đã, họ nhiều lần chặn xe chở rác gây ô nhiễm, đòi những công ty tham gia xử lý rác phải cam kết về môi trường, nhưng mọi chuyện vẫn đâu vào đấy. Đích thân tân Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh mới đây lên thị sát, hứa đầu tuần lãnh đạo UBND thành phố sẽ đối thoại với dân.
Người dân quanh khu vực Khánh Sơn bày tỏ bức xúc khi phải sống chung với ô nhiễm từ bãi rác suốt 24 năm. Ảnh: Nguyễn Đông. |
"Việc đối thoại với người dân Khánh Sơn là không thể chậm trễ hơn nữa. Đáng ra chúng tôi đối thoại từ đầu tuần, nhưng phải để đến thứ bảy. Vì sau chuyến kiểm tra thực tế của Bí thư Thành ủy, phải chờ các công ty xử lý môi trường khắc phục ô nhiễm, từ đó lấy cơ sở đối thoại cho người dân tin", ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó chủ tịch TP Đà Nẵng, nói.
Một người dân lên tiếng, cán bộ làm vì thu nhập của bản thân, sống trong chăn ấm đệm êm nên không biết đến khổ cực của người dân quanh bãi rác. Vì ô nhiễm mà từ người già đến trẻ em đều bệnh tật. Những xe rác thường đổ vào ban đêm, dân không thể giám sát, trong khi cán bộ nói nhiều về kỹ thuật, nhưng trình độ người dân không hiểu, chỉ biết ngày ngày phải sống chung với ô nhiễm.
"Quận khác yêu cầu nhà cao cửa rộng, dân Khánh Sơn tôi chỉ xin thành phố một hơi thở trong lành", bà Nguyễn Thị Thành nói và dẫn chứng hai lò đốt ở Khánh Sơn hàng ngày nhả ra vô số khói, khiến người dân lãnh đủ ô nhiễm.
"Tôi thấy các công ty xử lý ô nhiễm môi trường nhưng thực chất là hủy hoại môi trường, nhất là đốt rác thải y tế dân không chịu nổi", ông Nguyễn Đức Trung thẳng thắn nói và cho rằng nhiều người đánh đổi tính mạng vì phải chạy xe 80 km/h để nhanh thoát khỏi mùi hôi khi đi qua bãi rác. Đó là chưa kể nước thải từ các xe chở rác đậu ngay trên đường làm trơn trượt, tiềm ẩn mối nguy hại.
Cũng chính vì ô nhiễm từ bãi rác, nhiều diện tích ruộng ở Khánh Sơn không còn canh tác được. Người dân không còn đất sản xuất, rau quả trồng ra không bán được khi người mua biết nguồn gốc từ bãi rác. "Người dân giải tỏa trước kia để xây dựng bãi rác không tìm được việc làm, thành phố hứa bố trí vào các khu công nghiệp nhưng không thấy", bà Nguyễn Thị Hai hỏi lãnh đạo Đà Nẵng.
Sau buổi đối thoại, nhiều người dân vây quanh Chủ tịch quận Liên Chiểu Dương Thành Thị để bày tỏ nguyện vọng. Ảnh: Nguyễn Đông. |
Lắng nghe ý kiến người dân, ông Nguyễn Điểu, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, nói những bức xúc của nhân dân Đà Sơn là xác thực, nhưng bà con cũng cần nhìn nhận công bằng rằng thành phố đã làm được nhiều việc, làm vì cái chung, vì thế nhân dân không nên mất niềm tin. "Chúng tôi cam kết thực hiện việc giám sát xử lý rác thải cho bà con", ông nói.
Nhận trách nhiệm trước người dân, ông Dương Thành Thị, Chủ tịch quận Liên Chiểu, xin người dân thông cảm vì "nhiều cái không thuộc thẩm quyền của quận". "Buổi đối thoại này nhằm tìm cho được giải pháp xử lý để bãi rác không gây ô nhiễm nữa. Tôi cũng mong thành phố có hành động vì người dân quanh bãi rác Khánh Sơn để cuộc sống được thay đổi", ông Thị nói.
Kết luận buổi đối thoại, Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Nguyễn Ngọc Tuấn, cho rằng người dân đã phải sống chung với ô nhiễm nhiều năm, dồn nén nhiều bức xúc và những kiến nghị đều xác đáng. Không ít hộ dân sợ trong buổi đối thoại không truyền tải hết thông tin nên viết thư gửi trực tiếp, và những lá thư này sẽ được lãnh đạo thành phố xem xét giải quyết.
"Ngày trước, người dân Khánh Sơn đã chấp nhận để thành phố đặt bãi rác về đây và họ đã chịu đựng những hệ lụy, do đó thành phố sẽ xem xét bãi rác mới để khi đóng cửa bãi rác Khánh Sơn thì có chỗ để chuyển đến", ông Tuấn nói và cho biết bãi rác này dự kiến đóng cửa vào năm 2018. Khi xây dựng bãi rác mới, công nghệ tiên tiến là cần thiết để giảm diện tích san lấp, tăng sản phẩm tái chế từ rác, nhưng tái chế cũng phải giảm việc thải ngược khí ô nhiễm ra môi trường.
Nhìn nhận buổi đối thoại này chỉ là bước đầu, ông Tuấn nói: "Chúng tôi không hứa hẹn gì nhiều, cái gì làm được thì nói, cái gì chưa làm được thì nên chia sẻ". Phó chủ tịch thành phố giao Sở Xây dựng kiểm tra khoảng cách khu vực giữa khu dân cư đến bãi rác, trồng thêm cây xanh, xử lý ảnh hưởng của bãi rác đến người dân. Quận Liên Chiểu phối hợp Sở Lao động Thương binh Xã hội để xem xét công ăn việc làm cũng như chính sách cho người dân khu vực bãi rác.
"Việc hỗ trợ phải mang tính bền vững, ai có nhu cầu chính đáng thì quận phải đứng ra làm, nếu vượt quyền thì báo cáo ủy ban. Sau chuyến thực tế của Bí thư Thành ủy, đích thân Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ đã ký liên tiếp 3 văn bản để xử lý ô nhiễm bãi rác Khánh Sơn. Đây là việc làm hiếm thấy, nên mong người dân hiểu, thông cảm để cùng thực hiện", ông Tuấn nói, đồng thời yêu cầu các đơn vị liên quan photo 3 văn bản của Chủ tịch thành phố để người dân đọc, hiểu và cùng giám sát.
Nguyễn Đông - Hải Dương
Theo Vnexpress.net
0 nhận xét:
Đăng nhận xét