Cựu Thủ tướng Anh Tony Blair trong cuộc phỏng vấn độc quyền với CNN ngày 25/11 đã thừa nhận một số sai lầm của Mỹ và Anh trong cuộc chiến tranh ở Iraq và đưa ra lời xin lỗi của mình.
Cựu Thủ tướng Blair đã xin lỗi về những "sai lầm" về cơ sở thông tin tình báo cũng như sự thất bại trong việc chuẩn bị cho hậu quả của khởi động chiến tranh xâm lược Iraq năm 2003 của Mỹ và Anh. Ông cũng nhận một phần trách nhiệm về sự trỗi dậy của khủng bố IS.
Cựu Thủ tướng Anh Tony Blair. Ảnh Daily Mail. |
"Tôi có thể nói rằng tôi xin lỗi về những sai lầm về cáo buộc chính phủ (Saddam Hussein) sử dụng vũ khí hóa học chống lại người dân của mình và những điều không tồn tại như chúng tôi nghĩ", ông Blair nói.
Chính quyền Mỹ và Anh năm 2003 tuyên bố chính phủ Saddam sở hữu vũ khí hủy diệt hàng loạt và lấy cớ này để khởi động chiến dịch quân sự tại Iraq. Nhưng các báo cáo tình báo sau đó chỉ ra rằng điều này hoàn toàn không đúng.
Cuộc chiến tranh lật đổ chính quyền Saddam Hussein đã đẩy Iraq vào hỗn loạn và các cuộc bạo lực sắc tộc kéo dài tới tận ngày nay, tạo điều kiện cho sự trỗi dậy của các nhóm khủng bố khét tiếng al-Qaeda và Nhà nước Hồi giáo (IS).
Cuộc chiến tranh xâm lược Iraq không chỉ sát hại hàng chục ngàn sinh mạng tại quốc gia này mà còn giết chết 4.000 lính Mỹ, 179 binh sĩ Anh.
Giống như cựu Tổng thống Mỹ George W. Bush, người khởi xướng cuộc chiến tranh xâm lược Iraq, đồng minh Tony Blair cũng đối mặt với nhiều chỉ trích và những câu hỏi ở mọi nơi ông xuất hiện.
Bình luận về những ý kiến cho rằng Iraq và Trung Đông sẽ tốt hơn nếu Saddam Hussein vẫn cầm quyền, cựu Thủ tướng Anh nói rằng ông không cảm thấy khối hận về quyết định lật đổ cựu nhà lãnh đạo Saddam Hussein của mình và George W. Bush, rằng sự tồn tại của nhà lãnh đạo này không phải là điều tốt đẹp cho tương lai Iraq.
Trong con mắt phương Tây, Saddam Hussein là một nhà độc tài, đàn áp đẫm máu người dân Iraq trong hơn ba thập kỷ cầm quyền, kích động các cuộc chiến tranh với láng giềng Iran và Kuwait, sử dụng vũ khí hóa học chống lại người Kurd ở miền Bắc Iraq.
Ông Tony Blair và cựu Tổng thống Mỹ George W. Bush đã thúc đẩy cuộc chiến tranh xâm lược tại Iraq năm 2003. Ảnh Daily Mail. |
Nhưng hành động "nghĩa hiệp" loại bỏ nhà lãnh đạo này và dựng lên một chính phủ mới thân phương Tây của Mỹ và Anh không giúp giải quyết những căng thẳng sắc tộc ở Iraq mà ngược lại đẩy quốc gia này tới sự hỗn loạn hơn, tạo điều kiện cho những mầm mống khủng bố cực đoan phát triển.
Tuy nhiên, trong cuộc phỏng vấn, ông Blair chỉ nhận một phần trách nhiệm về sự trỗi dậy của IS tại Iraq và cáo buộc cái gọi là Mùa xuân Ả Rập ở Syria là nơi nuôi dưỡng mầm mống của tổ chức khủng bố cực đoan này.
Ông Blair liên tục nói xin lỗi về hành vi của mình và thậm chí đề cập đến tuyên bố rằng cuộc xâm lược Iraq là một "tội ác chiến tranh", nhưng bác bỏ những ý kiến cho rằng ông là "tội phạm chiến tranh". Cựu Thủ tướng Anh cho biết, ông đã làm những gì lúc đó ông nghĩ là đúng và quyền phán xét thuộc về mọi người.
Theo Daily Mail, Blair vẫn mắc kẹt giữa sự hối hận và việc duy trì quan điểm cứng rắn của mình nên ông không thể thừa thẳng thắn nhận toàn bộ sai lầm trong việc lật đổ Saddam Hussein.
Việc ông Blair lên tiếng xin lỗi và thừa nhận sai lầm trong chiến tranh xâm lược Iraq thực tế không hoàn toàn có gì bất ngờ.
Cựu Bộ trưởng Lao động Anh David Blunkett, người từng cảnh báo ông Blair về sự hỗn loạn ở Iraq sau khi Saddam Hussein bị lật đổ nhưng nhà lãnh đạo này đã bỏ qua và "đặt niềm tin mù quáng" vào chính quyền "diều hâu" của Mỹ, đã dự đoán trước được động thái này của ông Blair.
Theo quan điểm của Blunkett, việc ông Blair bất ngờ đưa ra lời xin lỗi này là không xuất phát từ sự hối hận thực sự mà từ mong muốn dập tắt những chỉ trích gay gắt và cũng như các nỗ lực đưa sai phạm của ông ra xét xử.
Báo cáo điều tra về sai phạm của ông Blair liên quan tới cuộc chiến tranh Iraq do Chủ tịch Ủy ban điều tra độc lập John Chilcot thúc đẩy dự kiến sẽ được công bố vào đầu năm 2016.
Blunkett cho rằng, Blair - một bậc thầy về quan hệ công chúng và truyền thông - có thể đã tính toán rằng nên đưa ra một lời xin lỗi trước khi vụ việc đẩy ông vào tình thế ít lựa chọn sẽ có lợi hơn.
Tuy nhiên, theo ông Blunkett, ông Blair nên xin lỗi về tất cả những sai lầm của mình trong cuộc chiến tranh Iraq thay vì chỉ một phần như trong cuộc phỏng vấn với CNN.
Bà Nicola Sturgeon, người đứng đầu chính phủ Scotland, cũng bày tỏ sự đồng tình với nhận định của ông Blunkett khi xem lời thú tội của ông Blair là hành vi "chạy án"./.
Theo giaoduc.net.vn
0 nhận xét:
Đăng nhận xét