Trong cuộc hội đàm cấp cao hôm 29/10, giới chức hải quân Mỹ - Trung đã đạt thỏa thuận duy trì đối thoại để tránh xung đột trên Biển Đông.
Theo Reuters, Đô đốc John Richardson, Tham mưu trưởng hải quân Mỹ và Đô đốc Ngô Thắng Lợi, Tư lệnh hải quân Trung Quốc đã hội đàm trực tuyến nhằm tránh đụng độ trên Biển Đông trong bối cảnh Mỹ điều tàu chiến áp sát các đảo nhân tạo phi pháp của Trung Quốc, thách thức tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh ở Biển Đông.
Sau cuộc hội đàm, hai bên đã nhất trí về việc sử dụng các điều khoản trong Bộ Quy tắc về đụng độ không báo trước trên biển (CUES) nhằm tránh nguy cơ hiểu lầm hoặc khiêu khích trên Biển Đông.
Tàu USS Lassen đảm trách nhiệm vụ áp sát đảo nhân tạo Trung Quốc. Ảnh: US Navy. |
"Họ đồng ý rằng thỏa thuận đó rất quan trọng và tàu chiến của hai bên cần phải thực hiện đúng theo thỏa thuận CUES khi hoạt động gần nhau nhằm loại bỏ bất cứ hiểu lầm cũng như khiêu khích có thể xảy ra", một quan chức quốc phòng Mỹ giấu tên cho biết về nội dung cuộc hội đàm trực tuyến.
Cuộc họp cấp cao trực tuyến diễn ra nhằm xoa dịu căng thẳng sau khi tàu USS Lassen của Mỹ áp sát các rạn san hô Trung Quốc bồi lấp phi pháp trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Phía Mỹ nhấn mạnh quyền tự do hàng hải và bay qua những khu vực mà luật pháp quốc tế cho phép, trong khi Bắc Kinh cáo buộc Washington xâm phạm cái mà họ gọi là "chủ quyền của Trung Quốc".
Giới chuyên gia cho rằng, việc đàm thoại cho thấy Trung Quốc đã "xuống nước" nhằm tránh xung đột trên Biển Đông với Mỹ dù trước đó Bắc Kinh đã phản ứng rất gay gắt khi Mỹ tiến hành tuần tra sát đảo nhân tạo mà họ xây dựng phi pháp trên Biển Đông hôm 27/10.
Tuy nhiên, giáo sư Carlyle A. Thayer, chuyên gia về Biển Đông thuộc Học viện Quốc phòng Australia cảnh báo: "Các hoạt động tuần tra đơn thuần của Mỹ sẽ không thể ngăn cản Trung Quốc củng cố cơ sở hạ tầng trên đảo nhân tạo. Bắc Kinh thậm chí có thể quân sự hóa các đảo nhân tạo này vào thời điểm thích hợp".
Lê Huyền (tổng hợp)
Nguồn : Người đưa tinTheo tinmoi.vn
0 nhận xét:
Đăng nhận xét