TP - Cá lau kiếng (cá lau kính, cá dọn bể, cá tỳ bà), cá sấu hỏa tiễn, cá hoàng đế (cá vược mồm lớn) là những loài ngoại lai được xem là có hại cho hệ sinh thái, nhưng xuất hiện ngày càng nhiều ở khu vực phía Nam, đặc biệt là ĐBSCL.
Anh Bùi Văn Phúc (ngụ huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) có một ao nuôi cá rộng gần 200m2. Do ít thả cá nên nhiều năm liền gia đình anh không tát ao mà chỉ để làm nguồn nước tưới cho vườn cây ăn trái quanh nhà. Ngày nào anh cũng bơm nước nhưng ao không cạn.
Cá cắn cá
Mới đây, khi một nhóm bạn từ TPHCM xuống nhà chơi, anh Phúc và người nhà huy động hai chiếc máy bơm nước cỡ lớn ra tát ao bắt cá để đãi bạn. “Ao lâu ngày không tát chắc sẽ có nhiều cá lớn. Lâu lâu bạn ở thành phố mới xuống chơi nên tát cho biết cái ao miền Tây cá nhiều như thế nào”, anh Phúc hồ hởi.
Từ 6h sáng, mọi người hì hục đi mua xăng, vớt lục bình (bèo) rồi bơm xả nước ra con mương cạnh bờ ao. Sau khi hai máy bơm hoạt động hết công suất gần nửa ngày, tốn hơn 10 lít xăng, ao nước mới vơi được hai phần. Nhưng lạ quá, nước cạn mà không thấy như lời anh Phúc: “Ao này mà tát đi nửa nước thôi là cá lóc, cá trê quẫy tưng bừng cho mà coi”.
Nước ao càng lúc càng cạn, nhưng chỉ thấy mấy con cá lòng tong, cá sặc ngoi lên mặt nước đớp khí. Không thấy trê, lóc hay con cá nào khác to to chút ngoi lên. Anh Phúc nói: “Chắc cá to nó khôn nên ẩn mình dưới đáy ao”. Cả nhóm gần chục người xắn quần lội xuống ao nước bùn lên gần đầu gối, nước chỉ còn hơn gang tay, mò tìm nhưng cũng chỉ được vài con cá bằng hai ngón tay.
Bực mình, anh Phúc chạy vào nhà kéo sợi dây điện hằng ngày thường dùng để bơm nước tưới cây, lấy hai cây sào làm cần xuyệc (kích) điện lội xuống. Sau hai vòng đảo khắp ao, anh bắt được hai con cá lau kiếng to bằng bắp chân người lớn. Đem vào cân được hơn 2kg. Cầm hai con cá lau kiếng trên tay, anh Phúc nói: “Cái thứ này ở trong ao thì không còn con cá trê, cá lóc nào là đúng rồi, nó bám theo hút nhớt làm cá khác chết hết. Ao ba năm không tát cứ tưởng nhiều cá, ai ngờ mất cả ngày, tốn mớ tiền được hai con cá này”.
Anh Trần Thanh Thông (ở xã Đông Bình, thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long) bảo, khoảng 10 năm trở lại đây, cá ngoại lai xâm nhập khá nhiều. Nhiều con mương, ao cá của người dân vùng này xuất hiện cá lau kiếng, cá chim trắng… Đi chài lưới, dân vùng này thường xuyên bắt được cá lau kiếng nặng cả ký. “Xuyệc điện, thả lưới hầu như ngày nào cũng bắt được cá lau kiếng. Đầy nhóc. Con nhỏ thì vài ba lạng, con to có khi lên cả ký. Chỗ nào có nó thì ít có các loài cá khác”, anh Thông bảo. Anh Thông kể, mới đây anh nghe một số người làng nói thấy cá chim trắng lao lên mặt nước cắn chết con rắn nhỏ. “Thấy cá chim trắng ăn thịt các loại cá khác mà người dân ở đây phát sợ nó luôn”, anh nói.
Ở TPHCM, nhiều người dân cũng thường xuyên bắt được cá lau kiếng to bằng cổ tay. Sau trận mưa gây ngập diện rộng ở TPHCM ngày 16/9, một số người dân ở gần cầu Thủ Thiêm, quận 2 mang lưới ra cánh đồng ngập nước đánh cá. Một người dân bắt được khoảng 3kg các loại, trong đó có hai con cá lau kiếng.
Cá lau kiếng hầu như có mặt khắp mọi nơi chúng tôi đến khảo sát. Ở công viên thành phố Tân An (Long An), một tay câu đêm chỉ cho chúng tôi thấy cảnh cả đàn cá lau kiếng trong hồ trung tâm khoảng gần chục con, con nào con nấy to bằng bắp chân, đen trùi trũi đang nổi lên vờn ánh sáng từ mấy cây đèn đường. “Ngày nào cũng dính mấy con cá quỷ này”, anh bảo.
Lên bàn nhậu
Đi sâu vào ĐBSCL, cá lau kiếng lại càng phổ biến. Chợ thị trấn Tam Nông ở huyện Tam Nông, Đồng Tháp bán cá lau kiếng như một loại thực phẩm phổ biến. Theo dân nhậu, loài cá nguồn gốc Nam Mỹ này tuy xù xì, xấu xí, nhiều vỏ sừng, nhưng con bự bự tầm một ký trở lên mà nướng hoặc hấp sả thì cứ gọi là “bá cháy con bọ chét”. Ở Cần Thơ, một số quán nhậu cũng đưa cá lau kiếng vào thực đơn và món “tủ” là hầm sả, chấm muối tiêu chanh ớt.
Dân nhậu vui một chút vì có món mới, nhưng theo người dân nuôi cá và các nhà chuyên môn, tác hại của cá lau kiếng là rất lớn. Loài cá này ban đầu được du nhập vào Việt Nam để nuôi kèm với cá cảnh với chức năng dọn vệ sinh, hút nhớt, hút rêu bám trên thành bể. Trong bể cảnh, cá lau kiếng thường chỉ bé bằng ngón tay cái. Nhưng khi ra môi trường tự nhiên, chúng có thể phát triển mạnh, nặng tới vài cân.
Cá lau kiếng có thể sống trong môi trường nước tù đọng, chỉ cần một vũng nước nhỏ là chúng có thể sống từ mùa này qua mùa khác. Khi ở trong ao, chúng lấn lướt nhiều loại cá khác. Bắt được cá lau kiếng, không bán được ở chợ, nên người dân đổ trở lại sông. Việc này làm cho cá tiếp tục phát tán, sinh sôi ngoài tự nhiên. Nhiều vùng ĐBSCL có tập quán bao chà, tức là quây một vùng nước ven sông và bỏ cây, bèo xuống cho cá có chỗ trú ngụ. Lâu lâu quây lưới, thu cá. Nhưng nay khi dỡ chà, nhiều người phát hiện cá lau kiếng bám đầy chà và không thấy loài cá nào khác. Chi cục Thủy sản tỉnh Đồng Tháp cho biết, cá lau kiếng có khả năng sinh sản quanh năm, tỷ lệ cá con sống khoảng 70% và có thể sống một tháng mà không cần đến thức ăn. Cá lau kiếng mẹ hay cá lau kiếng con đều có thể tiếp cận loài cá khác hút nhớt làm các loài cá khác giảm khả năng phát triển. Nếu khả năng thích nghi kém, các loài cá khác sẽ chết. Theo đánh giá của các kỹ sư thủy sản, cá lau kiếng không mang lại giá trị kinh tế bởi thịt ít, lại gây hại đối với cá bản địa.
Để tận mắt chứng kiến sự sinh sôi và thích nghi với môi trường bản địa của cá lau kiếng, chúng tôi theo chân nhóm đánh cá của anh Sơn ở xã Phú Thành B, huyện Tam Nông, Đồng Tháp. Chỉ trong vòng một giờ, ngoài các loại cá khác như rô, lóc, lăng loại nhỏ…, họ xuyệc điện trúng vài con cá lau kiếng to cỡ cổ tay, bắp chân và có cả những con cá lau kiếng bé bằng ngón tay út. Điều đó chứng tỏ loài này đã sinh sôi nảy nở cùng với các loài cá bản địa. Nhiều năm trở lại đây, tôm cá ở ĐBSCL ngày càng sụt giảm vì nhiều nguyên nhân, và điều ai cũng thấy rõ là cá có hại ngày càng nhiều. “Trước thấy cá lau kiếng là đập chết, nhưng nay nhiều quá đập không xuể”. Bây giờ thấy người ta bảo ăn được nên tụi tui giờ cũng mang về làm mồi nhậu”, anh Sơn nói.
Biến đổi khí hậu, xung đột về sử dụng nguồn nước giữa các quốc gia lưu vực sông Mekong, sự xâm hại của những loài sinh vật ngoại lai có hại... đang làm suy giảm, cạn kiệt nguồn lợi thủy sản ở ĐBSCL.
Tràn lan cá ngoại lai
Gần đây, người dân ở xã Thường Phước 1, huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp) liên tục bắt được cá sấu hỏa tiễn nguồn gốc từ Bắc Mỹ, nguy hại với các loài bản địa. Ở Hậu Giang, cá lau kiếng, rùa tai đỏ… có mặt khắp đồng ruộng, kênh rạch, ao hồ, gây hại mùa màng, cây trồng, vật nuôi, cạnh tranh gay gắt với các loài thủy sản bản địa.
Ở Đồng Nai, cá hoàng đế xuất hiện nhiều tại hồ Trị An. Đây là loài cá được du nhập từ Nam Mỹ, do một số hộ dân thả xuống nuôi làm cá cảnh. Không lâu sau, cá hoàng đế xuất hiện ngày càng nhiều. Chúng sinh trưởng rất nhanh, ăn tạp, gây nguy cơ mất cân bằng hệ sinh thái nguồn nước…
Theo Tienphong.vn
0 nhận xét:
Đăng nhận xét