Li Yan sống ở An Huy, Trung Quốc, mang thai con thứ hai. Ảnh: Reuters |
Ở một nơi xa xôi như tận Wisconsin, Mỹ, chính sách một con của chính phủ Trung Quốc vẫn in sâu trong tâm trí những người gốc Hoa, vốn đã lớn lên cùng chính sách đó, theo New York Times. Vì vậy, tiến sĩ Fuxian Yi giống như một kẻ lập dị giữa những người bạn Trung Quốc của mình vì ông có tới ba con.
"Nhiều người hỏi tôi rằng 'Sao ông lại có tận 3 đứa con vậy? 'Dũng cảm đấy. Tốn kém lắm'. Bởi vì họ chỉ có một hoặc hai con", Yi, một nhà khoa học tại đại học Wisconsin, chuyển đến Mỹ sinh sống từ năm 1999, kể.
Kể từ khi chính phủ Trung Quốc tuần trước thông báo có kế hoạch cho phép các cặp vợ chồng có hai con, nhiều bậc cha mẹ nói rằng họ không muốn có thêm đứa nữa do chi phí nuôi trẻ rất đắt đỏ.
Chính sách mới sẽ chưa có hiệu lực cho đến khi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc sửa đổi luật, Uỷ ban Y tế và Kế hoạch hoá Gia đình Quốc gia nước này cho biết nhưng không đề cập đến thời gian cụ thể.
Tuy nhiên, dường như có điều gì đó ảnh hưởng đến các cặp vợ chồng này hơn là vấn đề về kinh tế. Sau hơn 4 thập kỷ duy trì chế độ mỗi hộ gia đình chỉ một con để tập trung phát triển kinh tế, nhiều người dân giờ đây đánh giá thành tựu của gia đình thông qua thước đo kinh tế chứ không phải tình cảm.
"Trung Quốc đã thành công trong việc thiết lập 'văn hóa' một con", Lionel Jensen, giáo sư ngôn ngữ và văn hoá Á Đông tại Đại học Notre Dame, nhận xét.
"Kể từ giữa những năm 1980 và một lần nữa vào sau năm 1992, các cơ quan cấp cao của chính phủ, cũng như lãnh đạo bấy giờ là Đặng Tiểu Bình, đã kêu gọi mọi người chú tâm vào việc phát triển kinh tế", ông Jensen viết.
"Làm giàu là vinh quang" và "bước chân ra biển thương trường" là những khẩu hiệu thuyết phục nhiều cá nhân và gia đình rằng, kiếm tiền là cách quan trọng để bảo đảm an toàn tài sản của mình, đồng thời đưa đất nước đi lên", ông nói.
Người Trung Quốc nhìn nhận rằng chỉ có một con là cách "thể hiện lòng yêu nước, tinh thần quyết đoán và hợp lý về mặt kinh tế", ông Jensen nói thêm.
Kết quả là, số lượng các cặp vợ chồng muốn sinh thêm con kể từ khi được cho phép vào năm 2013 là rất thấp (quy định này cho phép nếu vợ hoặc chồng là con một thì được phép sinh con thứ hai).
Đường dài
Vấn đề "trẻ ít, già nhiều" của Trung Quốc trở thành một câu hỏi hóc búa. Điều này ảnh hưởng đến kinh tế khi số dân trong độ tuổi lao động giảm và chi phí chăm sóc người già tăng lên, khiến cho tiến sĩ Yi đưa ra một dự đoán táo bạo rằng trong khoảng hai năm, nhà nước sẽ phải từ bỏ hoàn toàn các quy định về kế hoạch hóa gia đình.
'"Sự thay đổi năm 2013 không đạt được những gì chính phủ muốn". "Chính quyền muốn có thêm khoảng hai triệu trẻ ra đời mỗi năm". Nhưng trong năm 2014, con số này chỉ dừng ở mức vài chục nghìn, và năm 2015 là khoảng 300.000 trẻ, theo ông Yi, tác giả cuốn sách có tên "Big Country With an Empty Nest" (tạm dịch Nước lớn với cái tổ trống), chỉ trích chính sách kế hoạch hoá gia đình của chính phủ.
Cuốn sách được xuất bản lần đầu tiên vào năm 2007 tại Hong Kong nhưng bị cấm phát hành tại Trung Quốc đại lục cho đến năm 2013. Nó dự kiến sẽ được tái phát hành sớm bởi hội đồng in ấn quốc gia Trung Quốc.
Ngay cả người Trung Quốc sống tại Mỹ cũng thường chỉ có một con, ông Yi nói. Một lý do nữa là họ sợ cha mẹ không vừa lòng khi họ về thăm quê.
"Có một số người, nếu như họ mang thai đứa thứ hai, cha mẹ của họ sẽ hỏi 'tại sao con muốn có thêm một đứa nữa' và cha mẹ của những cặp vợ chồng đó sẽ khuyên họ đi phá thai", ông Yi nói.
"Tôi có những người bạn sinh con thứ hai ở Mỹ mà không dám nói với cha mẹ", ông kể.
Liệu rằng vấn đề này sẽ có sự thay đổi, có chăng là cần thời gian? 'Họ hiểu rằng rằng định nghĩa gia đình đã thay đổi'', Jensen nói, ông cho rằng kinh tế vẫn sẽ là yếu tố mạnh mẽ trong việc ra quyết định trong một thời gian tới.
"Chính quyền sẽ còn phải đi một chặng đường dài nếu muốn thay đổi mô hình nhân khẩu của họ'', ông Yi nói.
"Đó là hy vọng, và cũng là dự đoán của tôi. Tôi cho rằng trong khoảng hai năm, chính phủ sẽ cải cách chính sách dân số hoàn toàn. Đây sẽ là một khó khăn lớn với chính phủ, thậm chí là sự xấu hổ", ông nói. "Nhưng họ đã thực hiện quá nghiêm trong một thời gian dài. Vấn đề này, suy cho cùng, là chuyện cá nhân và gia đình".
Trọng Nghĩa
Theo VNexpress
0 nhận xét:
Đăng nhận xét