Máy bom ném bom Vulcan. Ảnh: John Dibbs |
Avro Vulcan XH558 là phi cơ cuối cùng còn bay được trong 136 chiếc máy bay ném bom chiến lược Vulcan lừng lẫy một thời của không quân Anh. Chiếc oanh tạc cơ này có thể cất cánh lần cuối sau nỗ lực kéo dài một thập kỷ của một nhóm tình nguyện viên và các kỹ sư được Không quân Hoàng gia Anh (RAF) huấn luyện, theo BBC.
Việc đưa máy bay ném bom 4 động cơ trở lại bầu trời là một trong những dự án bảo tồn máy bay phức tạp nhất từng được thực hiện trên thế giới. Vulcan bắt đầu được sử dụng như máy bay ném bom hạt nhân từ những năm 1950, như một biện pháp răn đe hạt nhân.
Chiếc máy bay đi trước thời đại
Với biệt danh "Hỏa thần", oanh tạc cơ Vulcan có kích thước lớn hơn nhiều so với các loại máy bay phản lực ném bom thời Chiến tranh Lạnh. Chiếc oanh tạc cơ với phi hành đoàn 5 người này dài 30 m, mang hình dáng của một con chim khổng lồ đang sà xuống mặt đất. Vulcan được thiết kế với công nghệ hàng không hiện đại thời kỳ đó, trong bối cảnh nền kinh tế sau chiến tranh của Anh đang đối mặt với nhiều thách thức.
Vulcan là sản phẩm của công ty chế tạo máy bay Lancaster thời Thế chiến II, có hệ thống động cơ tuabin phản lực Rolls-Royce Olympus hiện đại. Chiếc máy bay được cho là đi trước thời đại này được đưa vào sản xuất phục vụ quân đội năm 1960, và trở thành máy bay ném bom chiến lược duy nhất của Không quân Hoàng gia Anh.
Ban đầu, Vulcan được thiết kế bay ở độ cao 15 km để có thể thả bom hạt nhân xuống mục tiêu mà không phải lo sợ hệ thống phòng không của đối phương. Đến năm 1960, ưu thế về độ cao này mất đi khi hệ thống phòng thủ tên lửa của Liên Xô được nâng tầm đáng kể và có thể bắn hạ cả máy bay do thám U-2 của Mỹ.
Để tránh hỏa lực tên lửa tầm cao, Vulcan phải bay rất thấp, tận dụng lực nâng lớn từ đôi cánh hình tam giác khổng lồ. Tuy nhiên, động cơ Olympus công suất lớn của nó lại xả nhiều khói, khiến Hỏa thần dễ bị lộ tẩy khi đối phương có thể phát hiện khói động cơ từ khoảng cách 40 km.
Từ năm 1981, không quân Anh bắt đầu cho nghỉ hưu những chiếc máy bay ném bom chiến lược này, và đội bay Hỏa thần hoàn toàn ngừng hoạt động vào năm 1992, sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.
Thông thường, khi máy bay nghỉ hưu, cơ quan hàng không sẽ tước chứng nhận đủ điều kiện bay. Nó chỉ có thể trở lại bầu trời khi đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe, bao gồm quy định cấm bay ở tầm cao nhất định, bay qua khu vực dân cư và có phương án dự phòng kỹ thuật toàn diện.
Năm 1997, Robert Pleming phát động chiến dịch gây quỹ để hồi sinh chiếc máy bay ném bom khổng lồ này. Ông quyết định mời Andrew Edmondson, một nhà vật lý hạt nhân, về làm giám đốc kỹ thuật của dự án Vulcan to the Sky Trust, với mục đích giúp một chiếc phi cơ Vulcan nặng 37 tấn có thể tiếp tục bay lượn trên bầu trời.
Hầu hết Hỏa thần Vulcan sau thời gian dài nghỉ hưu đều đã ở bãi phế liệu hoặc xuống cấp nghiêm trọng vì không được bảo quản, cất giữ đúng cách. Do đó, Pleming tiếp cận David Walton, người đã mua chiếc Vulcan mang số hiệu XH588 trong những ngày bay cuối cùng của nó.
"Họ cố gắng giữ gìn nó ở trạng thái bay tốt nhất có thể. Trên thực tế, ý định của Waltons là bảo vệ chiếc phi cơ để nó có thể bay một lần nữa", Edmondson nói. Chiếc Hỏa thần cuối cùng còn khá nguyên vẹn này khi đó được bảo quản tại sân bay Bruntingthorpe ở Leicestershire.
Vượt qua thách thức
"Đây là lần đầu tiên có người tìm cách xin giấy phép bay cho một máy bay phức tạp như thế này. Khi bạn đưa một máy bay đã nghỉ hưu về trạng thái đủ điều kiện bay, có ba vấn đề dựa trên độ phức tạp và trọng lượng của nó. Vulcan là loại phức tạp với nhiều động cơ, hệ thống kiểm soát bay hoạt động bằng điện và nếu có gì xảy ra, làm thế nào để xử lý? An toàn là trên hết. Sau đó là trọng lượng của máy bay", Edmondson nói.
Theo Edmondson, chiếc phi cơ này khó bay trở lại nếu không có hỗ trợ kỹ thuật ở mức cao nhất. Ban đầu, hãng công nghệ và hàng không Marshall ở Cambridge đồng ý hỗ trợ kỹ thuật dự án này, sau đó là tập đoàn quốc phòng khổng lồ BAE Systems năm 1999.
Nhiệm vụ khó khăn với Edmonson và đội ngũ kỹ sư chuyên nghiệp là kiểm tra xem liệu một phi cơ đã ngưng hoạt động 9 năm có thể bay lại hay không. Bất kỳ bộ phận cũ nào cũng cần được thay thế, tuy nhiên việc tìm kiếm phụ tùng thay thế cho một máy bay ném bom khổng lồ được sản xuất hơn 50 năm trước không hề dễ dàng.
Nhóm nghiên cứu được Waltons hỗ trợ về hậu cần đồng thời mua toàn bộ kho phụ tùng Vulcan của RAF. Thậm chí, họ đã năn nỉ để xin, mượn hoặc lấy cắp nhiều bộ phận khác từ bất kỳ chiếc Vulcan nào bị bỏ đi.
"Họ mua máy bay với giá 25.000 bảng Anh (38.000 USD) và sau đó chi nhiều tiền hơn cho toàn bộ số phụ tùng nặng gần 600 tấn", Pleming nói. Quy trình hồi sinh Vulcan yêu cầu đến 6.500 đầu việc.
Họ may mắn khi tìm được một khung máy bay Vulcan trong cơ sở của BAE ở Woodford. XH558 được bảo quản trong điều kiện tốt hơn so với khung máy bay ở Woodford, nhưng việc kiểm tra các thành phần giúp họ phát hiện vấn đề tiềm ẩn.
Các kỹ sư cho biết một số loại dây trong hệ thống điều khiển máy bay có thể bị hư hỏng khi tiếp xúc với tia cực tím. "Tôi quan sát một kỹ thuật viên kiểm tra 9 mét dây sau đó dùng kính lúp và xem xét từng đoạn một để xem lớp cách nhiệt có bị nứt hay không", Edmondson cho biết.
Nếu bộ khung máy bay bị nứt hay ăn mòn, tất cả các công việc trên đều vô ích. Rất may, chỉ một phần nhỏ bị ảnh hưởng và đã được gỡ bỏ cẩn thận.
Avro chế tạo Vulcan nhưng làm việc với 464 nhà cung cấp khác nhau để mua các bộ phận cần thiết, do đó họ phải liên lạc với tất cả những nhà sản xuất này.
Quy trình hồi sinh phi cơ này đòi hỏi các kiểm tra tỉ mỉ và cẩn thận, từ trong ra ngoài. Ảnh: Vulcan to the Sky Trust |
Giữa những khó khăn đó, nhóm của Edmondson phải lo đến tài chính. Họ đã phải phát động chiến dịch gây quỹ từ cộng đồng và sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm để trang trải chi phí khổng lồ cho quá trình hồi sinh chiếc máy bay dự kiến diễn ra trong 14 tháng nhưng cuối cùng lại kéo dài tới 22 tháng
"Đây quả là đỉnh cao của một dự án phục hồi máy bay. Tôi luôn cố gắng và làm những việc mà người khác không làm" Pleming khẳng định.
Hỏa thần hồi sinh
Ngày 18/10/2007, chiếc máy bay hoàn thiện được kéo lên đường bay ở Bruntingthorpe để thử nghiệm. Chiếc máy bay ném bom 50 tuổi này đã cất cánh thành công trước sự ngỡ ngàng và trầm trồ của khoảng 200 khách mời, trong đó có nhiều cựu phi công từng điều khiển Vulcan, và phương tiện truyền thông thế giới.
"Mọi người nhìn và nghĩ rằng nó chỉ là một máy bay lớn không nhanh nhẹn và khá nặng nề. Nhưng sự hồi hộp và phấn kích khi thứ phương tiện này tăng tốc rất tuyệt vời", cựu phi công RAF Martin Withers và là người điều khiển máy bay Vulcan hồi sinh, nói.
Suốt 7 năm sau đó, XH588 tiếp tục trình diễn tại nhiều triển lãm hàng không. Các chiến dịch gây quỹ vẫn tiếp tục khi số tiền mang lại chỉ có thể bù đắp một phần nhỏ trong chi phí vận hành.
"Phần thưởng lớn nhất tôi nhận được là từ khán giả. Họ đến triển lãm hàng không chủ yếu để xem Vulcan", cựu phi công này nói. Sau này, người ta còn gọi đó là hiệu ứng Vulcan, khi các buổi triển lãm chật cứng người xem và đám đông tập trung xung quanh chỉ để nhìn thấy Vulcan.
Dù vẫn còn nhiều giờ bay, được hỗ trợ về kỹ thuật, nhưng hành trình của XH5558 đã kết thúc sau chuyến bay cuối cùng.
"Nó giống như khi có ai đó qua đời vậy. Cuối mỗi mùa bay, bạn sẽ nghỉ trong vài tháng và tiếp tục trở lại. Nhưng lần này chuyện đó không xảy ra nữa", Withers tiếc nuối.
XH558 sẽ không bị đưa ra bãi phế liệu. Thay vào đó, nó được bảo quản trong một nhà chứa đặc biệt ở sân bay Robin Hood. Pleming hy vọng rằng câu chuyện của XH558 sẽ truyền cảm hứng cho các thế hệ sau, đánh thức đam mê thiết kế, chế tạo để huyền thoại này sống mãi với thời gian.
Đám đông hào hứng ngắm máy bay Vulcan biểu diễn trong triển lãm hàng không. Ảnh: Mark Arnold |
Thùy Linh
Theo VNexpress
0 nhận xét:
Đăng nhận xét