Bà Lê Thị Hạnh ở Quảng Trị bị viêm khớp mạn. Lúc đầu bà cẩn thận nên đến bệnh viện để khám và xin đơn thuốc điều trị. Thế là gần 2 năm nay bà dùng đơn thuốc này thấy dễ chịu nên cũng chẳng đi khám xét gì thêm. Lần uống thuốc cuối cùng, bà thấy mệt rồi xỉu đi. Lúc tỉnh lại bà vẫn chưa hiểu tại sao mình lại nằm trong phòng cấp cứu. Tại đây, các bác sĩ cho bà và người nhà biết, bà Hạnh bị chảy máu dạ dày và tụt huyết áp do dùng thuốc chữa viêm khớp diclofenac. Do thuốc diclofenac ở đơn cũ gây hại dạ dày, bệnh đang tiến triển mà bà không biết vẫn tiếp tục dùng thuốc nên đã xảy ra tình trạng trên. Rất may là bà Hạnh đã được đưa đi cấp cứu sớm. Bác sĩ cho bà Hạnh biết:
- Thuốc diclofenac có tác dụng chống viêm, giảm đau được dùng trong điều trị bệnh viêm khớp mạn, thoái hóa khớp, viêm đa khớp dạng thấp thiếu niên. Ngoài ra, thuốc còn được dùng trong đau cấp (viêm sau chấn thương, sưng nề) và đau mạn... Tuy nhiên, cũng giống như các thuốc chống viêm không steroid khác, bên cạnh tác dụng chữa bệnh thì diclofenac lại có tác dụng phụ là gây hại cho đường tiêu hoá do làm giảm tổng hợp prostaglandin dẫn đến ức chế tạo mucin (chất có tác dụng bảo vệ đường tiêu hóa). Khi gặp tác dụng phụ bệnh nhân sẽ có các triệu chứng: đau vùng thượng vị, đau bụng, buồn nôn, nôn, làm ổ loét tiến triển và gây chảy máu đường tiêu hóa (nôn ra máu, đi ngoài ra máu)... Có khoảng từ 5 - 15% người bệnh dùng diclofenac có tác dụng phụ ở bộ máy tiêu hóa. Vì vậy, khi dùng thuốc nếu người bệnh thấy có các triệu chứng trên cần phải ngừng thuốc và báo cho bác sĩ biết để có cách xử lý thích hợp. Còn đối với bệnh nhân có tiền sử viêm loét đường tiêu hóa (như viêm loét dạ dày, loét dạ dày tiến triển) thì không được dùng thuốc này, vì thuốc sẽ làm trầm trọng thêm bệnh. Hơn nữa, khi kê đơn, thầy thuốc thường căn cứ vào bệnh chính, các bệnh kèm theo hoặc xảy ra trước đó, đồng thời xem xét thể trạng tại thời điểm ấy... để quyết định thuốc, liều lượng, cách dùng thích hợp, hiệu quả nhất. Vì vậy, khi dùng hết thuốc người bệnh nên tuân thủ điều trị, mang đơn thuốc cũ đến tái khám để có sự điều chỉnh phương thức điều trị phù hợp, vì sau một thời gian, bệnh nhân có sự thay đổi về sức khỏe (già đi hay yếu hơn) và bệnh tật (khỏi, nặng thêm, có biến chứng hay mắc thêm các bệnh khác). Vì vậy, khi dùng các đơn thuốc cũ chẳng những không còn nguyên tác dụng mà còn gây tai biến.
Bảo Lâm
Theo suckhoedoisong.vn
0 nhận xét:
Đăng nhận xét