Tại phiên họp toàn thể Hội nghị Cấp cao ASEAN 27 vừa diễn ra, các nhà lãnh đạo ASEAN chia sẻ quan ngại sâu sắc về các diễn biến phức tạp ở biển Đông. Tại phiên họp Thượng đỉnh Mỹ - ASEAN, Tổng thống Mỹ Obama đã kêu gọi ngừng ngay các hoạt động xây dựng đảo nhân tạo trái phép ở biển Đông. “Vì lợi ích và sự ổn định của khu vực, cần ngừng ngay các hoạt động xây dựng đảo nhân tạo, xây dựng và quân sự hóa khu vực tranh chấp”, ông Obama nhấn mạnh. Trung Quốc đã phá vỡ một phần rạn san hô ở quần đảo Trường Sa để xây dựng đảo nhân tạo và các sân bay ở đây. Như vậy, ASEAN cần đẩy nhanh việc xây dựng một bộ quy tắc ứng xử cho biển Đông “bao gồm các giải pháp hòa bình các tranh chấp, tự do hàng hải và tự do hàng không”.
Tổng thống Mỹ Obama phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - ASEAN hôm 21/11.
Hãng tin Reuters dẫn lời một sĩ quan hải quân Mỹ cho biết, hải quân nước này sẽ thực hiện một chuyến tuần tra nữa trong khu vực 12 hải lý xung quanh các đảo nhân tạo được Trung Quốc bồi đắp tại biển Đông.
Ngay tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN - Ấn Độ, Thủ tướng Ấn Độ Modi đã kêu gọi các bên nên tuân thủ luật pháp quốc tế và nhanh chóng làm giảm căng thẳng trên biển Đông: “Ấn Độ hy vọng rằng tất cả các bên tranh chấp ở biển Đông sẽ tuân thủ các hướng dẫn về việc thực hiện Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông, và nỗ lực hơn nữa cho việc áp dụng sớm của một Bộ Quy tắc ứng xử trên cơ sở đồng thuận”. Thủ tướng Singapore cũng đã nêu vấn đề biển Đông tại Hội nghị Cấp cao ASEAN - Trung Quốc hôm 21/11. “Biển Đông là một vấn đề quan trọng, không chỉ đối với những quốc gia tuyên bố chủ quyền mà còn đối với những quốc gia đứng ngoài tranh chấp bởi vì biển Đông rất quan trọng đối với thương mại, phương kế sinh nhai, năng lượng và quyền đi lại tự do đối với tất cả chúng ta”. Thủ tướng Lý Hiển Long nhấn mạnh. Phát biểu tại Hội nghị Cấp cao ASEAN 27, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng nhấn mạnh các bên cần tăng cường các biện pháp xây dựng lòng tin và ngoại giao phòng ngừa, nghiêm chỉnh thực hiện các nguyên tắc về kiềm chế, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, giải quyết hòa bình tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982; đồng thời đề nghị các bên cam kết không theo đuổi quân sự hóa ở biển Đông, thực hiện hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC), nhất là cụ thể hóa Điều 5 và đàm phán thực chất để sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC).
Tuy nhiên, tại Hội nghị Cấp cao ASEAN - Trung Quốc, nội dung biển Đông lại không được đề cập. Điều này đã để lại không ít ngạc nhiên trong dư luận. Song dù vậy, các diễn biến bên lề hội nghị cho thấy chủ điểm biển Đông luôn “nóng” và được tất cả các quốc gia quan tâm. Trước thềm hội nghị, Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Ryamizard Ryacudu cho rằng, các nước có liên quan cần giải quyết những xung đột ở biển Đông thông qua cách tiếp cận mang tính xây dựng. Nhật Bản và Australia cũng đã quan ngại về tình hình biển Đông và biển Hoa Đông. Tại cuộc gặp tại thành phố Antalya của Thổ Nhĩ Kỳ, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã nêu rõ các hoạt động của Trung Quốc trên biển Hoa Đông và biển Đông là “mối quan ngại lớn trong khu vực”.
Trong một diễn biến khác, Thủ tướng Shinzo Abe cho biết, Tokyo đang xem xét khả năng đưa lực lượng Phòng vệ Nhật Bản tuần tra trong vùng biển Đông để bảo đảm an ninh hàng hải quốc tế. Giới phân tích cho rằng, an ninh hàng hải và vấn đề biển Đông sẽ tiếp tục làm “nóng” các diễn đàn sắp tới khi ASEAN đã trở thành một cộng đồng lớn mạnh và có ảnh hưởng quốc tế ngày càng mạnh mẽ.
(Theo The Hindu, Reuter, Opinion)
N.Minh
Theo suckhoedoisong.vn
0 nhận xét:
Đăng nhận xét