Khi Nga trở lại vũ đài quốc tế

Những động thái này cho thấy sự trở lại mạnh mẽ của nước Nga sau một thời gian dài bị Mỹ và phương Tây cô lập.

Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier cho rằng nếu tiếp tục loại bỏ được các rào cản trong cuộc xung đột Ukraine và nếu trong cuộc xung đột ở Syria, Nga tiếp tục hợp tác như hiện nay thì phương Tây có thể không còn muốn loại Nga khỏi nhóm các cường quốc phương Tây. “G-7 không bao giờ mong muốn cô lập Nga hay duy trì lâu dài nhóm G-7 thay vì G-8, mà quyết định không mời Nga dự các cuộc gặp G-7 gần đây xuất phát từ việc "niềm tin bị phá vỡ“ liên quan cuộc khủng hoảng Ukraine”, ông Frank-Walter Steinmeier nhấn mạnh. Trưởng đoàn Nghị sĩ CDU bang Nordrhein-Westfalen, ông Armin Laschet đã kêu gọi cần xây dựng mối quan hệ mới với Nga, cho rằng Tổng thống Mỹ Barack Obama đã đánh giá sai lầm khi hạ cấp nước Nga xuống thành “cường quốc khu vực“.

Trong một diễn biến khác, Chủ tịch Uỷ ban châu Âu Jean-Claude Juncker cũng kêu gọi hợp tác chặt chẽ hơn với Tổng thống Nga Putin, đồng thời đề nghị EU hợp tác với Liên minh Á-Âu do Nga đứng đầu. Còn tại cuộc gặp Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev bên lề Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á ở Kuala Lumpur (Malaysia) cuối tuần qua, TTK LHQ Ban Ki Moon nhấn mạnh rằng: “Tôi hoan nghênh vai trò hàng đầu của Liên bang Nga, nước đang nỗ lực cùng Mỹ để giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của khủng bố”.

Khi Nga trở lại vũ đài quốc tế

Ngoại trưởng Đức đề nghị đưa Nga trở lại G8

Những tuyên bố kể trên của TTK LHQ Ban Ki Moon, giới chức châu Âu và Đức cho thấy một sự thay đổi thái độ rõ rệt với Nga. Trong bối cảnh Mỹ, phương Tây bất lực, phương Tây đã nhìn Nga với một ánh mắt khác khi Nga đã và đang thể hiện vai trò tiên phong trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng IS nói riêng và chủ nghĩa khủng bố nói chung ở Trung Đông. Năm 1998, nhóm các nước công nghiệp hàng đầu G7 gồm có Anh, Canada, Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản và Mỹ đã chính thức được mở rộng thành G8 với sự tham gia của thành viên mới là Nga. Thế nhưng sự cố đã xảy ra vào năm ngoái - năm mà Nga đang giữ chức chủ tịch luân phiên của G8. Nga sáp nhập Crimea, các nước trong khối đã tẩy chay hội nghị thượng đỉnh của nhóm này dự định được tổ chức tại Sochi của Nga để phản đối quyết định của Moscow. Tiếp đó, Hội nghị thượng đỉnh G7 đã được nhóm họp tại Brussels, Bỉ-Nga đã không được mời. Sau những diễn biến này, Tổng thống Putin đã bị cô lập tại Hội nghị thượng đỉnh G20 tháng 11 năm 2014 và đã trở về nước trước khi hội nghị kết thúc.

Tuy nhiên, sự bế tắc trong chiến lược chống khủng bố và nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS đã khiến cho cục diện thay đổi. Ngày 30/9, Nga bắt đầu triển khai chiến dịch không kích chống IS ở Syria theo đề nghị của Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Cho tới nay, chiến dịch không kích của Nga đã thành công khi tiêu diệt được nhiều thành trì và thủ lĩnh của IS. Nga đã trở thành quốc gia đóng vai trò then chốt hàng đầu trong cuộc chiến chống IS, tháo gỡ dần từng nút thắt trong cuộc khủng hoảng tại Syria và cả cuộc khủng hoảng nhập cư tại châu Âu. Sau khi IS tiến hành vụ tấn công khủng bố đẫm máu ở Paris hôm 13/11, Pháp đã lên tiếng kêu gọi thành lập một liên minh quốc tế để cùng nhau chống lại IS, trong đó có vai trò của Nga. Thủ tướng Anh ông Cameroon, người vốn có quan điểm cứng rắn với Nga cũng đã bày tỏ ủng hộ sự có mặt của Moscow trong liên minh chống khủng bố toàn cầu. Ngay cả Tổng thống Mỹ Obama tại Hội nghị G20 tuần trước cũng đã không nhắc tới vấn đề Crimea cũng như chỉ trích Nga.

Khi Nga trở lại vũ đài quốc tế

Nga triển khai chiến dịch không kích IS tại Syria từ ngày 30/9

Việc Nga nêu điều kiện hợp tác với liên minh phương Tây chống IS một lần nữa cho thấy vị thế quan trọng của Nga trên bàn cờ địa chính trị thời điểm hiện nay.Theo kế hoạch, Ngoại trưởng Lavrov sẽ thăm Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày hôm nay (25/11) để tham gia vào cuộc họp lần thứ năm của Nhóm Kế hoạch chiến lược Nga-Thổ Nhĩ Kỳ nhằm trao đổi về tình hình ở Syria, Trung Đông và Bắc Phi. Sự có mặt của Nga được coi là điểm mấu chốt tháo gỡ những nút thắt căng thẳng đối với khu vực. Tất nhiên, không thể nói rằng những động thái này đã xóa tan băng trong quan hệ giữa Nga với Phương Tây. Song những gì đã diễn ra đã cho thấy, những biến chuyển nhanh chóng của thế giới vào thời điểm hiện nay đang tạo cho Nga thời cơ lớn, giúp Nga không những bước ra khỏi vòng vây cô lập mà còn “cầm trịch” trong cuộc chơi toàn cầu những ngày tới./.

N.Quang (Theo BBC, Le Monde)



Theo suckhoedoisong.vn
Share on Google Plus

About Unknown

This is a short description in the author block about the author. You edit it by entering text in the "Biographical Info" field in the user admin panel.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét