Mối lo an ninh bao trùm châu Âu

Quyết định này được đưa ra sau khi Trung tâm khủng hoảng thuộc Bộ Nội vụ Bỉ phân tích các dữ liệu tình báo cho thấy có một mối đe dọa “nghiêm trọng và tức thì” về việc những kẻ khủng bố có thể đang lên kế hoạch thực hiện một vụ tấn công lớn tại Brussels giống như đã làm tại Paris hôm 13-11.

Ngay lập tức, lệnh báo động khủng bố đã được chính phủ Bỉ nâng lên mức 4, mức cao nhất, tại vùng thủ đô Brussels, trong khi tại các tỉnh, thành phố khác của Bỉ là ở mức 3.

moi lo an ninh bao trum chau au hinh 0

Lực lượng an ninh được triển khai ở Paris trong vụ khủng bố ngày 13/11 vừa qua. (Ảnh: AFP/Getty).

Hơn 1.000 binh lính được trang bị vũ khí hạng nặng cùng xe bọc thép đã tuần tra khắp thủ đô Brussels. Hầu hết các trung tâm thương mại, các viện bảo tàng, các điểm tập trung đông người được khuyến cáo đóng cửa hoặc giải tán.

Lực lượng an ninh bố trí dày đặc tại các trụ sở Liên minh châu Âu (EU) hay NATO. Hội đồng thành phố Brussels cũng phát đi thông báo khuyến cáo công dân ở nhà đồng thời đóng cửa các ga tàu điện ngầm và nhà ga lớn.

Tình trạng an ninh cao độ hiện nay khiến mối lo bị khủng bố bao trùm châu Âu. Thủ đô Brussels của Bỉ, đặc biệt là thành phố ngoại ô Molenbeek trong suốt một tuần qua là tâm điểm của các đợt vây ráp và lục soát của cảnh sát Bỉ và Pháp do các nghi can liên quan đến vụ khủng bố Paris đều nằm trong khu vực này.

moi lo an ninh bao trum chau au hinh 1

Tình trạng an ninh cao độ hiện nay khiến mối lo bị khủng bố bao trùm châu Âu. (Ảnh: AP).

Những tên bị truy nã gay gắt nhất như Salah Abdeslam, kẻ tham gia tấn công nhà hát Bataclan ở Paris, nằm trong số này. Ít nhất đã có 3 kẻ liên quan đến khủng bố Paris bị cảnh sát Bỉ bắt giữ trong những ngày qua.

Một ngày trước đó (20/11), các Bộ trưởng Nội vụ và Tư pháp của Liên minh châu Âu cũng đã họp khẩn tại Brussels nhằm đề ra các biện pháp khẩn cấp đối phó với khủng bố. Một trong những đề xuất đã được thông qua là EU sẽ ngay lập tức áp dụng hệ thống PNR (Passenger name record) cho phép ghi lại thông tin di chuyển của mọi hành khách, kể cả những người mang quốc tịch EU, qua các cửa khẩu của Liên minh. Biện pháp này đã được khuyến nghị từ nhiều năm nay nhưng chưa được các nước thành viên thông qua do lo ngại vi phạm quyền tự do và thông tin cá nhân.

moi lo an ninh bao trum chau au hinh 2

Một trong những hiện trường ở Paris sau vụ khủng bố đẫm máu ngày 13/11. (Ảnh: AP).

Tuy nhiên, sự trì hoãn này đã bị chỉ trích nghiêm trọng, đặc biệt sau khi cơ quan an ninh Pháp cho biết họ không nhận được bất cứ thông tin nào từ các nước EU về việc di chuyển tự do của Abdelhamid Abaaoud, kẻ được cho là chủ mưu vụ khủng bố Paris, cho đến tận ngày 16/11. Pháp chỉ được thông báo về sự có mặt của Abaaoud trên đất châu Âu từ một cơ quan an ninh nằm ngoài châu Âu. Kẻ này sau đó bị cảnh sát Pháp tiêu diệt trong vụ tấn công ở Saint-Denis rạng sáng ngày 18/11.

Pháp mạnh tay

Tại Pháp, một tuần sau vụ khủng bố đẫm máu ở Paris, một loạt các biện pháp đã được thông qua. Sau Quốc hội, ngày 20/11, Thượng viện Pháp đã bỏ phiếu với số phiếu áp đảo, đồng ý kéo dài tình trạng khẩn cấp thêm 3 tháng.

Việc kéo dài tình trạng khẩn cấp cho phép lực lượng an ninh Pháp thực hiện một loạt các biện pháp mạnh tay. Chế độ quản chế tại gia được mở rộng, không chỉ dành cho các đối tượng “có hành vi nguy hiểm” mà cho cả các đối tượng mà “hành xử có tính đe dọa” đối với an ninh và trật tự công cộng.

moi lo an ninh bao trum chau au hinh 3

Cảnh sát phong tỏa đường phố. (Ảnh: AFP).

Từ khi xảy ra vụ khủng bố, đã có 164 người bị đưa vào diện quản chế tại gia, tức buộc phải có mặt tại nhà ít nhất 8-12 tiếng/ngày và phải trình diện cơ quan tư pháp vào một thời điểm nhất định. Chính phủ Pháp còn tiến xa hơn một bước khi đề nghị áp dụng việc đeo vòng điện tử đối với những đối tượng từng phải thi hành án dính đến khủng bố trong vòng 8 năm qua.

Ngoài ra, để đối phó với nguy cơ khủng bố thường trực, sắp tới cảnh sát Pháp sẽ được phép đeo súng 24/24h, kể cả khi không làm nhiệm vụ, để có thể ngay lập tức can thiệp nếu xảy ra khủng bố. Việc đeo súng này phải tuân theo 3 điều kiện: đeo tấm băng tay cảnh sát, thực hành bắn súng ít nhất một lần từ đầu năm, và phải báo cấp trên về việc giữ súng.

Ở quy mô lớn hơn, Bộ trưởng Nội vụ Pháp Bernard Cazeneuve cho biết hiện có tổng cộng 115.000 binh lính, hiến binh và cảnh sát được huy động để đảm bảo an ninh trên toàn nước Pháp, trong đó riêng Paris là 5.000 lính.

moi lo an ninh bao trum chau au hinh 4

Tổng thống Pháp Hollande phát biểu với báo giới bên ngoài Nhà hát Bataclan sau vụ khủng bố. (Ảnh: AFP/Getty).

Về lâu dài, chính phủ Pháp tuyên bố sẽ tiếp tục theo đuổi những đề xuất khác quan trọng hơn nhằm đưa ra các biện pháp cứng rắn, như cải cách Hiến pháp để chính quyền rộng tay xử lý khủng hoảng, tước quốc tịch với người có 2 quốc tịch, kể cả sinh ra ở Pháp, nếu dính đến khủng bố, cấm không cho quay lại Pháp với những người đi thánh chiến sang Syria hay Iraq, đóng cửa các nhà thờ Hồi giáo cực đoan và mở các trung tâm chống cực đoan dành cho thanh niên.

Như tuyên bố của Tổng thống Pháp Francois Hollande, an ninh giờ là ưu tiên số 1 và nước Pháp sẽ bất chấp mọi lo ngại về thâm hụt ngân sách để tăng cường các biện pháp an ninh nhằm ngăn chặn và loại trừ khủng bố.



Theo suckhoedoisong.vn
Share on Google Plus

About Unknown

This is a short description in the author block about the author. You edit it by entering text in the "Biographical Info" field in the user admin panel.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét