Thượng tướng Viktor Bondarev của Nga cho biết việc Nga đưa tên lửa phòng không đến Syria là nhằm chống trộm máy bay quân sự.
Cách chống trộm của Nga
Theo Tướng Viktor Bondarev: "Chúng tôi đã tính đến tất cả các mối đe dọa tiềm năng. Chúng tôi đưa tới đó không chỉ máy bay chiến đấu, máy bay tấn công, máy bay ném bom, máy bay trực thăng, mà cả các hệ thống tên lửa phòng không. Bởi vì có thể xảy ra các hoàn cảnh bất khả kháng khác nhau. Giả sử có hành vi trộm máy bay quân sự trên lãnh thổ các nước láng giềng Syria và tấn công chúng ta. Vì vậy chúng ta phải sẵn sàng cho điều này".
Dù ông Viktor Bondarev không trực tiếp nói đến hệ thống phòng không nào được Nga đưa đến Syria, tuy nhiên theo những thông tin được Nga và cả truyền thông phương Tây công khai trước đây cho thấy đó là những hệ thống SA-22 và rất có thể còn có thêm Buk.
Việc Nga mang tới Syria những hệ thống phòng không cực hiện đại có thể khiến mối quan hệ giữa Moscow với liên minh quân sự do Mỹ đứng đầu rơi vào tình trạng đáng quan ngại, thậm chí có thể đẩy thế giới đến thế chiến thứ Ba.
Bởi theo Reuters, Tổng thống Putin đã đưa bệ phóng tên lửa di động, thứ có thể bắn văng các máy bay phản lực, vào trung tâm khu vực do ông Assad kiểm soát ở Syria, gây ra những lo ngại về sự an toàn của các máy bay liên minh trong khu vực có chiến sự.
Vì cả IS và lực lượng đối lập "ôn hòa" tại Syria đều không sử dụng máy bay chiến đấu nên sự xuất hiện của hệ thống tên lửa đất đối không tại Syria gây ra nhiều nghi vấn. Cựu đô đốc Lord West của lực lượng Hải quân Hoàng gia Anh cho rằng sự xuất hiện của loại vũ khí này khiến cho tình hình khu vực "cực kỳ nguy hiểm".
"Quân IS không có máy bay để dùng và tôi chắc chắn là Nga không có ý bắn rụng máy bay của quân đội chính phủ Syria, vậy họ mang những thứ đó tới để làm gì? Phải chăng họ đang có ý định bắn hạ máy bay của liên minh? Họ đang chờ đợi những cuộc tấn công từ máy bay liên minh?", đô đốc Lord West đưa ra câu hỏi.
Lý do phương Tây lo lắng
Theo những thông tin được công khai, SA-22 được thiết kế với sự kết hợp giữa 2 pháo bắn siêu nhanh 2A38M 30mm, pháo này có tốc độ bắn lên đến 2500 viên/phút, phạm vi tiêu diệt mục tiêu 4km cùng 12 tên lửa đánh chặn 57E6 hoặc 57E6-E. Đây là một tên lửa nhiên liệu rắn 2 giai đoạn được dẫn hướng bằng vô tuyến.
Radar điều khiển hỏa lực băng tần kép có khả năng phát hiện mục tiêu có diện tích phản hồi radar 2m2 ở cự ly 36km, theo dõi mục tiêu ở cự ly 28km. Hệ thống điều khiển hỏa lực được bổ sung thêm kênh dẫn hướng quang-điện nhằm tăng xác xuất tiêu diệt mục tiêu.
Với 2 kênh dẫn hướng riêng biệt, hệ thống SA-22 có thể tấn công 2 mục tiêu cùng lúc với số lượng mục tiêu có thể tham chiến trong 1 phút lên đến 10 mục tiêu. Toàn bộ hệ thống được đặt trên khung gầm xe KAMAZ-6560 8x8 với khả năng cơ động rất cao. Hệ thống có thể tiêu diệt bất kỳ mục tiêu đường không nào trong phạm vi 20km với tầm cao 15km.
Với những tính năng của SA-22, việc bắn hạ những chiến đấu cơ dù hiện đại nhất bao gồm cả tiêm kích tàng hình không phải là vấn đề gì quá khó khăn. Ngoài ra, SA-22 còn được coi là "sát thủ" với tên lửa hành trình Tomahawk - loại vũ khí hủy diệt luôn được Mỹ sử dụng cho màn dạo đầu mỗi cuộc chiến mà nước này tham gia.
Theo tintuc.vn
0 nhận xét:
Đăng nhận xét