Bài 2: Các mức độ của nghiện thuốc
Phân loại mức độ gây nghiện của các chất
Trong bài trước có đề cập đến thuốc trazodon. Trazodon là thuốc chống trầm cảm dùng để trị các dạng trầm cảm. Trazodon còn có tác dụng an thần giải lo, gây ngủ nên có khi được dùng làm thuốc ngủ. Trazodon được xem là thuốc gây nghiện nhưng tác dụng gây nghiện của nó thuộc loại rất yếu, yếu hơn so với một thuốc ngủ gây nghiện là diazepam và yếu hơn rất nhiều so với thuốc gây nghiện mạnh là morphin. Dùng trazodon lâu ngày làm người bệnh không bỏ được thuốc này nhưng trazodon chỉ gây lệ thuộc về mặt tâm lý (điển hình của lệ thuộc tâm lý là nghiện hút thuốc lá) chứ không gây lệ thuộc thể chất (điển hình của lệ thuộc thể chất và cả lệ thuộc tâm lý là nghiện ma túy, người nghiện nếu thiếu ma túy sẽ vật vã dữ dội). Tính chất gây nghiện rất yếu của trazodon còn thể hiện ở chỗ nó được xếp vào bảng thứ V tức chót hết theo bảng phân loại chất gây nghiện của Mỹ và một số quốc gia khác. Bảng phân loại mức độ gây nghiện của các chất được gọi là Bảng các chất cần phải kiểm soát (Controlled Subtance Schedule) gồm bảng I đến bảng V như sau:
- Bảng I: gồm các chất gây nghiện dữ dội và là chất cấm, nếu dùng là phạm pháp, thí dụ: heroin, cần sa, MDMA (tức thuốc lắc), methamphetamine (tức hàng đá)…
- Bảng II: gồm các chất gây nghiện dữ dội nhưng có thể dùng trong điều trị bệnh, như morphin, methadon, secobarbital…
- Bảng III: gồm các chất gây nghiện trung bình, như codein dùng liều trung bình (phối hợp với thuốc khác như biệt dược Efferalgan-Codeine kết hợp paracetamol và codein)…
- Bảng IV: gồm các chất gây nghiện yếu như thuốc an thần gây ngủ diazepam, hay các thuốc khác thuộc nhóm benzodiazepin…
- Bảng V: gồm các chất gây nghiện rất yếu như diphenoxylat (có trong thuốc trị tiêu chảy Lomotil), trazodon…
Như vậy, tham khảo Bảng các chất cần phải kiểm soát ta biết được mức độ gây nghiện của các chất gây nghiện. Chất thuộc bảng I không chỉ gồm các chất có mức độ gây nghiện dữ dội mà đó là chất không dược dùng trong trị bệnh và bị cấm dùng bất cứ lý do gì, nếu dùng là vi phạm pháp luật. Thuốc lắc và hàng đá được đề cập trong bài trước thực chất thuộc loại gây nghiện yếu nhưng lại được phân vào bảng II tức là loại cấm dùng. Bởi vì thuốc lắc và hàng đá, tuy không gây nghiện mạnh mẽ như như heroin nhưng cũng làm cho người nghiện nó khốn đốn và làm băng hoại xã hội. Dùng thuốc lắc và hàng đá lâu ngày do tính chất “lờn thuốc” của sự nghiện sẽ dần đi đến dùng ma túy mạnh hơn là heroin, dùng đường uống, hút rồi sẽ đi đến dùng đường tiêm chích để “phê” nhanh, mạnh hơn. Và khi dùng độc chất ma túy bằng con đường tiêm chích sẽ không chóng thì chầy đi vào cửa “tử” vì bị nhiễm HIV/AIDS. Còn trazodon được phân vào bảng 5, tức là chất gây nghiện rất yếu, thể hiện bằng việc cai nghiện trazodon dễ hơn nhiều so với cai nghiện ma túy là heroin.
Methamphetamine (tức hàng đá) là chất gây nghiện dữ dội
|
Hiện tượng “phụ thuộc thuốc”
Trong sử dụng thuốc có tình trạng người dùng thuốc dùng một số thuốc kéo dài, tuy thuốc không thuộc loại gây nghiện nhưng có hiện tượng giống như nghiện thuốc, tức không thể ngưng bỏ mà phải tiếp tục dùng thuốc.
Khi người bệnh bị các bệnh lý cơ xương khớp mạn tính phải dùng thuốc chống viêm giảm đau lâu ngày, như dùng thuốc loại glucorticoid (dexamethason, prednisolon...), thuốc chống viêm không steroid (diclfenac, ibuprofen, celecoxib…), thậm chí thuốc thông thường là paracetamol, aspirin và cứ thế dùng mãi. Nếu ngưng bỏ thuốc, người bệnh không chịu được vì sự đau nhức rất khó chịu. Tình trạng này không gọi là nghiện thuốc mà nên tạm gọi là “phụ thuộc thuốc”. Phụ thuộc thuốc chống viêm giảm đau có thể gây tác hại vì thuốc loại này luôn là con hai lưỡi, một lưỡi là làm cho hết đau (kèm theo sảng khoái và người ta gần như “nghiện” thuốc chính vì sảng khoái này) nhưng lưỡi thứ hai là gây các tác dụng phụ có hại rất trầm trọng (glucocorticoid ai cũng biết tác dụng có hại của nó). Để giải quyết vấn đề “phụ thuộc thuốc”, bác sĩ sẽ chỉ định thuốc dùng an toàn và hợp lý, để lúc nào đó có thể cắt bỏ thuốc được.
Phụ thuộc thuốc còn gặp ở thuốc trị hen suyễn. Bệnh hen suyễn là bệnh mạn tính, không thể trị khỏi hoàn toàn, chỉ có thể kiểm soát. Tức không thể dứt bỏ hoàn toàn việc dùng thuốc mà bác sĩ cho dùng thuốc đúng bài bản để kiểm soát và không gây hại người bệnh. Trị hen suyễn đúng bài bản hiện nay là bác sĩ cho dùng thuốc dự phòng là chủ yếu kết hợp với điều trị cắt cơn; cho dùng thuốc dạng “hít” là chủ yếu thay vì uống hay chích để thuốc cho tác dụng tại chỗ là đường hô hấp ít gây tác dụng phụ hơn.
Phụ thuộc thuốc còn gặp ở thuốc trị táo bón. Dùng thuốc trị táo bón lâu ngày, người bệnh bị phụ thuộc, không dùng thuốc là không đi tiêu được. Nguy hại hơn là thuốc (nhất là thuốc trị táo bón kích thích) gây hại nhiều thứ, trong đó gây hại niêm mạc ruột rất dữ. Chính nhờ bác sĩ khám, vạch ra phương án xử lý và chỉ định thuốc trị táo bón tối ưu mà giải quyết được vấn đề phụ thuộc thuốc trị táo bón.
KỲ III: LỜN THUỐC CÓ PHẢI LÀ DẤU HIỆU CỦA “NGHIỆN THUỐC”?
PGS.TS. NGUYỄN HỮU ĐỨC
LỜI KHUYÊN CỦA THẦY THUỐC
Để phòng tránh nghiện thuốc và phụ thuộc thuốc, người dùng thuốc nên lưu ý mấy điều sau:
- Chỉ thật cần thiết mới dùng thuốc. Hoàn toàn không nên lạm dụng thuốc kể cả thực phẩm chức năng. Đừng nghe lời mách bảo của người không thuộc giới chuyên môn mà dùng thuốc nào đó kéo dài từ tháng này sang tháng kia.
- Nếu được bác sĩ khám ghi đơn thuốc, phải dùng đúng, dùng đủ (không dư không thiếu) các thuốc ghi trong đơn và thực hiện tốt các lời chỉ dẫn.
- Không tìm cách mua dùng thuốc loại kê đơn (tức loại có đơn thuốc của bác sĩ mới được mua).
- Trước khi dùng một thuốc, cần đọc kỹ bản hướng dẫn hoặc hỏi dược sĩ tại nhà thuốc về những điều cần biết, trong đó có: tác dụng phụ, những thận trọng khi dùng thuốc, chống chỉ định (tức những trường hợp không được dùng thuốc).
- Nên xem việc điều trị bệnh không chỉ hoàn toàn dựa vào thuốc. Có phương pháp điều trị gọi là không dùng thuốc và ngay cả chế độ sinh hoạt, nghỉ ngơi hợp lý, dinh dưỡng thích hợp cũng có thể góp phần cải thiện tình trạng bệnh.
Theo suckhoedoisong.vn
0 nhận xét:
Đăng nhận xét