Không để đạn nổ lõm tiếp tục “làm mưa, làm gió”, các nhà thiết kế xe tăng tìm nhiều cách khắc chế. Và họ cũng đã gặt hái thành công.
Những điều chưa biết về vũ khí chống tăng (Kỳ 2):
Những kẻ hạ bệ “vua chiến trường”
Nếu sự phát triển của vỏ giáp xe tăng tiến 1 bước, thì công nghệ vũ khí chống tăng cá nhân tiến được 10 bước. Thực tế này khiến tăng – thiết giáp thế giới lâm vào khủng hoảng sâu sắc. Không để đạn nổ lõm tiếp tục “làm mưa, làm gió”, các nhà thiết kế xe tăng tìm nhiều cách khắc chế. Và họ cũng đã gặt hái thành công.
Cuộc đua vỏ giáp – đạn chống tăng
Giáp “lồng gà”, giáp phức hợp, và nhất là giáp phản ứng nổ đã giúp xe tăng và kíp lái an toàn hơn. Thế nhưng chẳng bao lâu, một loại đạn chống tăng mới ra đời, kịp thời củng cố thế mạnh của vũ khí chống tăng.
Đó là đạn “tandem” (nghĩa gốc chỉ loại xe đạp có 2 người cùng đạp) với kết cấu 2 đầu nổ lõm. Đầu nổ thứ nhất (chứa lượng thuốc nổ nhỏ) sẽ đánh vào giáp ERA, làm kích nổ các khối thép để lộ ra lớp giáp chính, mở đường cho đầu nổ thứ hai hoàn thành nhiệm vụ khoan thủng xe tăng.
Đạn chống tăng “tandem” nhanh chóng được chấp nhận. Nó còn được sử dụng để công phá công sự phòng thủ kiên cố của đối phương.
Sau tandem, một loại đạn khác đã được phát triển, dùng súng chống tăng làm ống phóng công phá công sự rất hiệu quả. Kết cấu loại đạn này gồm: lượng thuốc nổ (nhỏ) và hỗn hợp chất dễ cháy. Đạn có sức công phá lớn, sản sinh ra sóng xung kích mạnh và nhiệt độ cao (đốt cháy dưỡng khí của đối phương).
Ngoài loại đạn nổ lõm, vũ khí chống tăng còn sử dụng các loại đạn xuyên (xuyên thường, xuyên nổ,…). Trong đó, nguy hiểm nhất là xuyên dưới cỡ (còn gọi là đạn xuyên thoát vỏ) sử dụng thanh xuyên làm từ vật liệu cứng (wonfram, urani nghèo) để chọc thủng lớp vỏ xe, bất kể lớp giáp làm từ vật liệu nào). Như vậy, trong “cuộc đua” với vỏ giáp, đạn chống tăng luôn duy trì được ưu thế vượt trội bằng sự phong phú và đa dạng.
Huyền thoại nối tiếp huyền thoại…
RPG-7 đã reo rắc nỗi kinh hoàng cho xe tăng kể từ khi nó ra đời cho tới ngày nay và người Nga không ngủ quên trên chiến thắng. Họ liên tục cải tiến loại vũ khí chống tăng đáng sợ này và tới cuối thập niên 1990, Nga đã trình làng súng chống tăng RPG-29.
Mẫu súng được thiết kế làm 2 phần có thể tháo rời và lắp lại một cách dễ dàng, được trang bị kèm kính ngắm quang học và khí tài nhìn đêm. Đạn chống tăng mà RPG-29, gọi tên PG-29 thuộc loại đạn tandem với 2 đầu nổ lõm (kích cỡ lần lượt là 65mm và 105mm) có khả năng xuyên giáp dày 650mm, sơ tốc 280m/giây, tầm bắn hiệu quả 500m.
Tuy nhiên đạn chống tăng của Nga thiết kế theo kiểu liều phóng cháy hết suốt chiều dài nòng súng, ẩn chứa rủi ro cho người bắn. Ngoài đạn PG-29, RPG-29 còn bắn đạn áp nhiệt TBG-29V cho nhiệm vụ chống boongke, hầm hào (khi nổ đạn TBG-29V đốt cháy oxy cục bộ gây ra sức nóng không một sinh vật nào sống nổi trong bán kính 10m).
Trong một cuộc thử nghiệm đạn PG-29 đã xuyên phá thành công cả 2 chiếc mẫu xe tăng nổi tiếng T-80 và T-90. Đặc biệt nó đánh thẳng vào giáp trước (nơi có lớp giáp chính và giáp phản ứng nổ dày nhất). Trên chiến trường Trung Đông, RPG-29 trở thành “sát thủ” đối với các xe tăng hiện đại phương Tây.
Năm 2006, các tay súng Hezbollad đã sử dụng RPG-29 phá hủy xe tăng Merkava 4 – niềm tự hào tăng thiết giáp Israel. Năm 2007, tại Iraq, một chiếc Challenger 2 của Anh cũng bị tiêu diệt bởi một quả đạn RPG-29.
Tiếp đến, năm 2008 xe tăng M1A2 của Quân Mỹ tại Iraq cũng “dính đòn” của RPG-29. Hiện nay, RPG-29 được xuất khẩu tới một số quốc gia trên thế giới. Trong một phóng sự của Truyền hình Quân đội Nhân dân có cảnh lãnh đạo Bộ Quốc phòng Việt Nam thăm quan các loại vũ khí mới, trong đó có vũ khí rất giống với RPG-29.
Sức mạnh của "anh chàng tí hon"
Cùng thời điểm xuất hiện với RPG-29 là Panzerfaust 3 của Đức, có thiết kế bảo đảm an toàn cho người bắn. Theo đó, luồng phản lực phụt ra từ đuôi súng được giảm đến mức tối thiểu cho phép vũ khí triển khai trong không gian hẹp.
Thứ nữa, quả đạn có 2 liều phóng, đạn được đốt cháy từ trong nòng và đưa ra khỏi nòng. Khi liều phòng thứ nhất hết thuốc, đạn đã đạt cự ly an toàn với người bắn, động cơ rocket chính được kích hoạt đưa quả đạn bay mạnh tới mục tiêu.
Panzerfaust 3 sử dụng thiết bị điều khiển hỏa lực mang tên Dynarange thiết bị đo xa laser và máy tính đường đạn. Nhờ đó, tầm bắn hiệu quả đối với mục tiêu động và tĩnh tăng lên 600m. An toàn hơn so với RPG-29 nhưng Panzerfaust 3 chưa có cơ hội thể hiện mình trên chiến trường. Không những vậy, nó nhanh chóng bị chính quân nhân Đức đánh giá thấp trong nhiệm vụ chống tăng.
Vì, Panzerfaust 3 đời đầu sử dụng đạn chống tăng nổ lõm không còn hiệu quả với xe tăng trang bị giáp phản ứng nổ. Phải tới cuối những năm 1990, Đức mới đưa ra biến thể Panzerfaust 3 IT phóng đạn “tandem” chuyên trị ERA, tiếp đó là biến thể Panzerfaust 3 Bunkerfaust để phá hủy boongke. Các loại đạn mà Panzerfaust 3 dùng đều có cỡ 110mm, tầm bắn hiệu quả 300-400m.
Do không đầu tư nhiều cho dòng vũ khí này, nên quân đội Mỹ sử dụng vũ khí chống tăng với thiết kế “mua lại” từ nước khác như M136 AT4 (thiết kế của Thụy Điển) hay SMAW (dựa trên loại B-300 của Israel). Trong đó, M136 AT4 gây ấn tượng với trọng lượng nhẹ nhất thế giới (6,7kg so với RPG-29 là 18kg và Panzerfaust 3 là 13kg).
Tuy nhỏ nhưng “anh chàng tí hon” này tạo ra luồng phụt sau đuôi cực lớn có thể gây bỏng nặng cho đồng đội nếu đứng quá gần, không phù hợp trong môi trường tác chiến đô thị. M136 AT4 bắn nhiều loại đạn gồm: đạn chống tăng nổ lõm, đạn chống tăng tandem, đạn chống boongke (tầm bắn hiệu quả 300m).
M136 AT4 đã được quân đội Mỹ sử dụng tại Iraq và Afghanistan. Đối với SMAW, nhiệm vụ chống tăng được đặt dưới nhiệm vụ phá hủy công sự đối phương. Do đó, đạn chống tăng của SMAW chỉ có hiệu quả với xe tăng không trang bị giáp phản ứng nổ.
Mời bạn đọc theo dõi kỳ 3 của loạt bài: “Chắp cánh” cho vũ khí chống tăng" vào 15h ngày thứ 7, 7/11 trên Tintuc.vn
Bạn đọc có thể xem lại kỳ 1 của loạt bài tại đây.
Theo tintuc.vn
0 nhận xét:
Đăng nhận xét