Nhiều người bệnh thắc mắc: Tôi chỉ khó ngủ hay thức giấc không ngủ lại được nhưng không bị bệnh tâm thần, sao thầy thuốc lại giới thiệu đến khám tại khoa hay bệnh viện tâm thần và được kê đơn amitriptylin, sulpirid?
Vì sao thầy thuốc cho hai thuốc này?
Khái niệm rối loạn tâm thần (psychotic) dùng chỉ trạng thái bất thường về tâm thần của nhiều bệnh, trong đó có bệnh tâm thần phân liệt (schizophrenia), trầm cảm (depressant), kể cả chứng rối loạn giấc ngủ do các bệnh này hay do các nguyên nhân khác. Thầy thuốc cho hai thuốc này là để chữa chứng rối loạn giấc ngủ.
Amitriptylin thuộc nhóm chống trầm cảm ba vòng (tricyclic antidepressants), ức chế tái nắm bắt tiền synap các chất dẫn truyền thần kinh (norepinephrin, serotonin) gây kháng cholinergic ở ngoại vi, chống lại trạng thái trầm cảm nên ngủ được. Mặt khác, trong cấu trúc của amitriptylin có chứa nhóm chức kháng histamin (histaminergic) nên có thêm tính năng ức chế thần kinh trung ương an thần; nhờ đó mà tạo cho giấc ngủ tốt hơn. Tác dụng chống trầm cảm xuất hiện muộn, sau vài tuần; tác dụng an thần xuất hiện nhanh, chỉ sau vài giờ. Khi dùng amitriptylin về ban đêm để điều trị rối loạn giấc ngủ, thầy thuốc dùng cả tính năng chống trầm cảm và tính năng ức chế thần kinh trung ương an thần. Nếu khó ngủ do trầm cảm nhẹ thì dùng amitriptylin kéo dài nhưng nếu khó ngủ không do trầm cảm thì dùng amitriptylin cũng được, song thường ngắn hơn.
Sulpirid thuộc nhóm thuốc chống loạn thần, nhưng khác với các thuốc chống loạn thần khác nó có tính trung gian giữa tính an thần kinh (neuroleptic) và tính chống trầm cảm (antidepessant).
Về tính chống loạn thần: dùng liều thấp (dưới 600mg/ngày), sulpirid giải tỏa sự ức chế, tạo ra sự nhanh nhẹn hoạt bát, làm giảm các triệu chứng âm tính (thờ ơ, sống thu mình, xa lánh, không giao tiếp với xã hội). Dùng liều cao (trên 600mg/ngày, thường là 800mg/ngày) sulpirid lại có tính kháng tạo sinh (antiproductive) làm cho khí sắc tăng lên, mất các triệu chứng dương tính rầm rộ (hoang tưởng, ảo giác, ảo thanh).
Về tính an thần: sulpirid có tính an thần giống như các thuốc an thần kinh cổ điển (phenothiazin, butyrophenon) nhưng vì có cấu trúc khác với thuốc này nên không gây ra trạng thái “giữ nguyên thế”, không tác động lên hệ adenylcyclase nhạy cảm với dopamin, không tác động lên chất dẫn truyền norepinephrin và 5-HT hầu như không có tác dụng kháng cholinesterase, không tác dụng lên thụ thể muscaric hay GABA. Nói tóm lại: sulpirid chỉ có tác dụng an thần mà không có tác dụng phụ khác làm xáo trộn hệ thần kinh trung ương và hệ giao cảm.
Chu kỳ bán thải của amitriptylin khá dài (9 - 36 giờ). Sau khi dùng thuốc vào ban đêm sáng ra thấy mệt, kém tỉnh táo do tính năng ức chế thần kinh trung ương an thần của thuốc gây ra. Trong chống rối loạn giấc ngủ, thầy thuốc cho dùng sulpirid về ban ngày một liều thấp (20mg/ngày) để giải tỏa ức chế, làm cho đỡ mệt, tỉnh táo.
Dùng amitriptylin kết hợp với sulpirid với liều lượng, thời khắc như trên là vận dụng tính chất dược lý, liều lượng khéo léo.
Vì sao phải dùng đúng hướng dẫn mới có hiệu quả?
Thông thường thầy thuốc cho dùng 1 viên amityptylin (hàm lượng 25mg) vào buối tối, 2 viên sulpirid (hàm lương 10mg) vào buổi sáng, chiều. Amitryptylin xuất hiện tính năng ức chế thần kinh trung ương, an thần khá nhanh (chỉ vài giờ sau khi dùng) nhưng lại có chu kỳ bán hủy khá dài ( 9 - 36 giờ). Tùy theo lịch ngủ của mình mà chọn giờ uống thích hợp. Nên dùng sớm khoảng 7 - 8 giờ tối thì khoảng 9 - 10 giờ đêm sẽ ngủ được và thức dậy vào lúc 5 - 6 giờ sáng. Nếu uống quá muộn, khi đi ngủ 9 - 10 giờ đêm mới uống thì đến 5 - 6 giờ sáng khó dậy, khi dậy thường mệt, không tỉnh táo. Những người đi làm xa bằng xe máy càng không nên dùng thuốc quá muộn. Sulpirid dùng để giảm tác dụng phụ này nên cần dùng ngay từ buổi sáng và chiều mà không cần dùng về đêm. Với liều dùng thấp như vậy (10mg/ lần), sulpirid chỉ làm an thần, tỉnh táo mà không gây buồn ngủ. Nếu không tuân thủ giờ giấc dùng thuốc như hướng dẫn, hiệu quả sẽ không tốt. Sau khi tạo ra được thói quen, có thể không cần dùng thuốc nữa mà vẫn không bị rối loạn giấc ngủ. Lúc này để cũng cố kết quả nên chọn các phương pháp không dùng thuốc như: tạo chỗ ngủ tốt (xa nơi ồn ào, nhiều tiếng động, xe cộ đi lại…); trong phòng ngủ không nên để các phương tiện làm việc hay giải trí (như: bàn vi tính, máy điện thoại, tivi); tập thói quen đi ngủ đúng giờ, trong phòng ngủ và trước giờ ngủ tránh các việc gây căng thẳng (mỗi ngày dành ra một thời lượng thích hợp để giải quyết các công việc tồn đọng đặt kế hoạch cho ngày sau, tránh nhất việc lên giường mà còn băn khoăn về công việc, tập thói quen không tranh thủ giao dịch tranh luận với người khác trực tiếp hay qua điện thoại trước khi ngủ).
Rối loạn giấc ngủ thường phải điều trị kéo dài, có khi hàng tháng; dùng hai thuốc này sẽ không bị quen và nghiện (lệ thuộc thuốc) như dùng diazepam (biệt dược: seduxen). Tuy nhiên, nếu lúc đầu dùng hai thuốc này mà chưa tạo được giấc ngủ tốt, vẫn có thể dùng phối hợp với diazepam nhưng không dùng quá 10 ngày.
Hiện nay hai thuốc này do quy định phải dùng theo đơn, số lượng bán ít nên các nhà thuốc bên ngoài không chú ý kinh doanh; các thầy thuốc thường chuyển người bệnh khám ở khoa hay bệnh viện tâm thần để được cấp hay được mua tại nhà thuốc bệnh viện. Thay đổi nơi cung cấp thuốc cũng góp phần giải quyết các băn khoăn của người bệnh.
DS.CKII. BÙI VĂN UY
Theo suckhoedoisong.vn
0 nhận xét:
Đăng nhận xét