Bức tranh vẽ nàng Kiều đang tắm được nhà xuất bản Thế Giới và Nhã Nam dùng làm trang bìa cuốn "Truyện Thúy Kiều", khiến độc giả bất bình.
Nhân dịp kỷ niệm 250 năm ngày sinh Nguyễn Du, công ty Nhã Nam in lại tác phẩm Truyện Thúy Kiều. Sách in theo ấn bản do hai học giả Bùi Kỷ và Trần Trọng Kim hiệu khảo, xuất bản lần đầu năm 1925.
Sách "Truyện Thúy Kiều". |
Ngay khi đơn vị phát hành đăng ảnh cuốn sách lên trang mạng xã hội, độc giả đã đưa ra những bình luận trái chiều. Nhiều người cho rằng ảnh bìa lõa lồ, trần trụi có thể gây ấn tượng sai lầm về hình tượng nàng Kiều (độc giả Lan Anh Trịnh) hoặc tranh không xứng tầm kiệt tác văn học (độc giả PicaChu). Một số độc giả bình luận thẳng thắn họ sẽ không mua cuốn sách vì tranh bìa. Nặng nề hơn, có ý kiến cho rằng đó là cách làm cẩu thả của đơn vị xuất bản. Một số khác là độc giả trung thành của Nhã Nam lại bày tỏ sự thất vọng vì lâu nay đơn vị này luôn có tiếng làm bìa sách đẹp (độc giả Mai Thi Nguyễn).
Bức tranh Kiều lõa thể trên bìa Truyện Thúy Kiều chính là tác phẩm của Lê Văn Đệ - họa sĩ nổi tiếng, từng là thủ khoa khóa I trường Cao Đẳng Mỹ thuật Đông Dương năm 1930. Bức tranh được họa sĩ vẽ minh họa cho câu thơ: “Rõ màu trong ngọc trắng ngà/ Dày dày sẵn đúc một tòa thiên nhiên” trong tác phẩm của Nguyễn Du.
Về những tranh luận trái chiều của độc giả, đại diện truyền thông Nhã Nam nói: "Đây là một bức tranh đẹp. Họa sĩ Lê Văn Đệ hoàn toàn có thể đi theo lối tả chân, tả thực rất cụ thể chi tiết Kiều tắm. Nhưng ở đây ông chọn vẽ theo lối tượng trưng, ước lệ, theo phong cách tranh khắc. Bởi vậy bức vẽ khá gián cách, không có màu dung tục".
Ngoài bức tranh của họa sĩ Lê Văn Đệ dùng trên trang bìa, cuốn Truyện Thúy Kiều còn in một số phụ bản tranh minh họa lấy từ Tập văn họa kỷ niệm Nguyễn Du do Hội Quảng Trị - Huế xuất bản năm 1942. Đây là tập sách gồm 11 bức tranh màu in trên giấy dó, của các họa sĩ Vịệt Nam hàng đầu thời bấy giờ như Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Gia Trí, Lê Văn Đệ, Lưu Văn Sìn, Nguyễn Đỗ Cung… được xuất bản để lấy tiền sửa mộ, dựng bia kỷ niệm nhà văn Nguyễn Du vào năm 1942.
Bản Truyện Thúy Kiều của Bùi Kỷ và Trần Trọng Kim được đánh giá cao và phổ biến rộng. Tác phẩm đã được hai bậc học giả khảo cứu kỹ lưỡng, trình bày theo cách tối giản với mục đích giúp bạn đọc hiểu và cảm được nội dung, tinh thần tác phẩm.
Y Nguyên
Theo Vnexpress
0 nhận xét:
Đăng nhận xét