TP - Trao đổi với Tiền Phong về Luật Báo chí (sửa đổi) đang được Quốc hội thảo luận, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn cho biết, dự thảo Luật mới sẽ bảo hộ mạnh mẽ cơ quan báo chí cũng như người làm báo…
Đề nghị ông cho biết, những điểm mới trong dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi)? Những điểm mới này sẽ góp phần phát triển báo chí như thế nào?
Thứ nhất, dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) đã có các quy định về việc Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi để báo chí, nhà báo hoạt động trong khuôn khổ pháp luật và được Nhà nước bảo hộ; không một tổ chức, cá nhân nào được hạn chế, cản trở báo chí, nhà báo hoạt động; báo chí không bị kiểm duyệt trước khi in, phát sóng; báo chí, nhà báo, công dân có quyền tiếp cận các thông tin mà nhà nước không cấm theo quy định của pháp luật về tiếp cận thông tin, có quyền được biểu đạt thông tin, tham gia giám sát, phản biện xã hội trên báo chí. Đây là một nội dung được thảo luận nhiều nhất vì tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí thực tế là một quyền có giới hạn đối với luật pháp tất cả các quốc gia trên thế giới. Nhiều đại biểu Quốc hội đã đánh giá việc xây dựng nội dung này trong dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) là nỗ lực hết sức thiện chí.
Thứ hai, dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) quy định hẳn những nội dung và hành vi bị cấm trong hoạt động báo chí. Dự thảo Luật đã bổ sung nhiều quy định mới như: Cấm thông tin về thân nhân và các mối quan hệ của cá nhân trong các vụ án, vụ việc tiêu cực khi không có căn cứ cho rằng những thân nhân và các mối quan hệ đó liên quan đến vụ án, vụ việc tiêu cực hoặc chưa có kết luận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, làm ảnh hưởng xấu đến đời tư của công dân; Thông tin ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường về thể chất và tinh thần của trẻ em; Thông tin quy kết tội danh khi chưa có bản án có hiệu lực pháp luật của tòa án. Cấm đăng, phát trên truyền thông xã hội thông tin có tính chất báo chí vi phạm quy định của điều cấm; sản phẩm báo chí đã bị đình chỉ phát hành, thu hồi, tịch thu, cấm lưu hành, tiêu hủy; nội dung chương trình phát thanh, truyền hình đã bị đình chỉ, cấm lưu hành; nội dung vi phạm đã bị gỡ bỏ trên báo điện tử. Trong đó có quy định hạn chế một hành vi lạm quyền “muôn thuở” của báo chí cả thế giới là “Xâm phạm bí mật đời tư”.
Thứ ba, dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi, bổ sung) bảo hộ mạnh mẽ cho các cơ quan báo chí, nhà báo tác nghiệp bằng các quy định về việc cung cấp thông tin cho báo chí, quyền và nghĩa vụ giữ bí mật nguồn tin của cơ quan báo chí, nhà báo.
Thứ tư, là được liên kết trong hoạt động báo chí. Dự thảo Luật cho phép cơ quan báo chí thực hiện việc liên kết với các đối tác trong và ngoài nước không phải xin phép cơ quan quản lý nhà nước về báo chí ở các mức độ và hình thức khác nhau để thực hiện việc thiết kế, trình bày, khai thác quảng cáo, in ấn, phát hành báo chí, sản xuất chương trình phát thanh, truyền hình.Trước đây việc liên kết này chỉ thể hiện trong các văn bản quy phạm pháp luật.
Ngoài ra còn có rất nhiều nội dung mới như: về đối tượng thành lập cơ quan báo chí; về lãnh đạo cơ quan báo chí; về cải chính, phản hồi thông tin; về xử lý vi phạm... Tôi chỉ điểm qua vắn tắt một vài điểm mới trong dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) để thấy rằng đây là những tiến bộ, để xây dựng một nền tảng pháp lý vững chắc và cụ thể cho việc phát triển báo chí.
Thực tế tác nghiệp cho thấy, còn nhiều tổ chức, cá nhân cản trở hoạt động báo chí. Nhiều cơ quan chức năng né tránh, cung cấp thông tin không chính xác cho báo chí lâu nay dường như rất ít khi bị phạt, bị xử lý. Vậy trong dự thảo Luật sửa đổi, điều này sẽ được khắc phục ra sao, thưa ông?
Như tôi đã nêu ở trên, Quy định tại điều 36 “Trong phạm vi quyền hạn, nhiệm vụ của mình, các cơ quan, tổ chức, người có trách nhiệm có quyền và nghĩa vụ cung cấp thông tin cho báo chí và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin đã cung cấp” và Điều 37, “Người đứng đầu cơ quan báo chí có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trả lời những vấn đề mà công dân nêu ra trên báo chí”. Ngoài ra, Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí theo Quyết định 25/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng cũng đã quy định rõ ràng và đang có hiệu lực.
Các cơ quan báo chí, nhà báo nên nắm vững pháp luật để bảo vệ quyền lợi của mình khi bị hạn chế tác nghiệp. Những văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến những nội dung này cũng sẽ triển khai khi Luật Báo chí có hiệu lực sẽ khắc phục những hạn chế trong hoạt động báo chí.
Theo ông, những biểu hiện tiêu cực của một số cơ quan báo chí và cá nhân nhà báo vừa qua có phải do tình trạng phát triển quá nhanh số lượng các cơ quan báo chí, nhất là báo điện tử?
Theo thống kê của chúng tôi, hiện nay có gần 100 báo điện tử. Số lượng báo điện tử theo Quy hoạch báo chí và Luật báo chí cũng sẽ không tăng thêm nhiều vì liên quan đến quy định về cơ quan chủ quản.
Về tình trạng nhà báo sách nhiễu doanh nghiệp và các cơ quan khác, cũng như việc lợi dụng nhà báo có những hành vi trái pháp luật, chúng tôi đã thụ lý nhiều vụ. Tuy nhiên, tình trạng này đang gia tăng, gây ảnh hưởng đến xã hội, ảnh hưởng uy tín những người làm báo chân chính, thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục xem xét xử lý kiên quyết hơn. Dứt khoát phải quyết tâm chấm dứt tình trạng này.
Trong thời gian tới, nếu tình hình không xoay chuyển chúng tôi sẽ lập đường dây nóng để tiếp nhận phản ánh. Bất cứ cơ quan báo chí nào, bất cứ nhà báo nào có những hành vi trái với đạo đức nghề nghiệp và vi phạm pháp luật như đã nói, chúng tôi sẽ xử lý nghiêm khắc. Chúng tôi sẽ thu hồi thẻ nhà báo ngay lập tức và truy cứu trách nhiệm đối với cơ quan báo chí nếu có hành vi vi phạm nêu trên. Các doanh nghiệp, và cơ quan đơn vị khác cứ mạnh dạn phản ánh nếu có chứng cứ cụ thể.
Hiện các cơ quan báo chí hầu hết đều không được bao cấp, phải tự “bơi”. Trong khi đó, lại phải gánh trách nhiệm chính trị khá nặng nề. Vậy dự thảo luật mới sẽ tạo điều kiện ra sao cho phát triển kinh tế báo chí?
Nhiệm vụ chính trị là một nhiệm vụ quan trọng của báo chí. Không phải vì nhiệm vụ chính trị mà các cơ quan báo chí không phát triển được. Về chuyên môn, tin tức chính trị là thể loại tin quan trọng, được bạn đọc quan tâm hàng đầu.
Đề án Quy hoạch báo chí khuyến khích và thúc đẩy hỗ trợ cơ quan báo chí tự chủ về tài chính, Luật Báo chí cũng mở ra để cơ quan báo chí phát triển theo hướng đa phương tiện, cải thiện chất lượng nội dung phong phú, cho phép liên kết có điều kiện… Như vậy về cơ chế chính sách, Nhà nước sẽ tiếp tục tạo điều kiện tối đa cho cơ quan báo chí. Tôi đã nói Luật Báo chí (sửa đổi, bổ sung) có xu hướng bảo hộ mạnh mẽ cho cơ quan báo chí, nhà báo, tăng thêm quyền hạn… Nhưng nên nhớ là quyền phải đi với trách nhiệm và nghĩa vụ. Nhất là trách nhiệm xã hội mà nhiều cơ quan báo chí hiện nay vì chạy theo lợi nhuận đã cố tình lãng quên mất!
Cảm ơn ông.
Theo Tienphong.vn
0 nhận xét:
Đăng nhận xét