Hiện nay, trong một số loại thực phẩm dùng cho người hoặc trong các loại thức ăn chăn nuôi có chứa các chất tăng trưởng gây độc hại. Vậy các chất đó là gì và tác hại của nó ra sao đối với sức khỏe người sử dụng?
Dexamethasone
Dexamethasone là một loại hormon kích thích có chứa nguyên tố Fluor. Chúng có thể được dùng trong dược phẩm vì có tính chống viêm. Tuy nhiên, chất này rất hiếm được bác sĩ kê đơn vì những tác dụng phụ rất đa dạng, có thể làm xáo trộn nhiệm vụ của một số bộ phận trong cơ thể. Khi bị tiếp nhiễm dài hạn, con người có thể bị loét dạ dày, xuất huyết đường ruột, loãng xương, tăng huyết áp...
Tuy nhiên, có một tác dụng khác của dexamethasone là làm tăng cân nhanh giả tạo vì chúng có tính giữ nước trong các tế bào của cơ thể. Chính vì lý do này mà một số bếp ăn tập thể vô lương tâm đã trộn thuốc vào thức ăn nhằm tăng cân cho trẻ (một số nơi đã bị báo chí làm rõ).
Mức tác hại của thuốc rất lớn và cần phải được theo dõi trong một thời gian dài. Hậu quả trước mắt của việc dùng kích thích tố này là làm giảm thiểu mức tăng trưởng chiều cao của trẻ em. Tùy theo liều lượng và thời gian sử dụng, dexamethasone sẽ làm mất chất vôi trong xương, làm loãng xương, ngoài ra còn có nhiều phản ứng phụ như trẻ em bị tăng huyết áp, rối loạn tinh thần, giảm sức đề kháng, do đó khả năng bị nhiễm khuẩn rất cao.
Các chất tăng trưởng khác trong chăn nuôi, trồng trọt
Các loại hóa chất kích thích tăng trưởng hay tăng trọng trong rau quả và gia súc đã được các nhà trồng trọt, chăn nuôi trộn lẫn vào thức ăn cho gia súc hay nước tưới cho cây trồng cũng gây nguy hại cho sức khỏe người sử dụng do bị tiếp nhiễm gián tiếp qua thực phẩm chứa các hóa chất độc hại trên. Đối với rau quả, hóa chất độc hại thường được sử dụng là thuốc diệt cỏ, các hóa chất dioxin và các loại thuốc diệt trùng, trừ sâu rầy, nấm mốc... Đối với gia súc như lợn, gà, vịt, hóa chất kích thích tăng trưởng ngoài dexamethasone, người chăn nuôi thường sử dụng là clenbuterol. Chất sau này ảnh hưởng lên sức khỏe người tiêu dùng rất nặng vì nó là mầm mống của bệnh ung thư.
Clenbuterol được trộn trong thức ăn cho lợn khiến lợn tăng trọng rất nhanh và làm thịt lợn trông rất bắt mắt. Từ năm 2002, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ra quyết định cấm sử dụng clenbuterol trong chăn nuôi gia súc.
TS. Truyết Mai
Theo suckhoedoisong.vn
0 nhận xét:
Đăng nhận xét