Văn Phong - đập nước trăm tuổi đắp bằng cây rừng

Đập dâng Văn Phong (thôn Phú Lạc), xã Bình Tường, huyện Tây Sơn (Bình Định) vừa được Nhà nước đầu tư nâng cấp hợp phần chứa nước, trở thành một trong những công trình thủy lợi lớn nhất nước. Đứng trên cao trình đập dâng cao 25 m, sông Kôn khoác một chiếc áo mới với màu xanh trong của nước, màu trời và bao quanh bởi núi.

Hợp phần khu tưới Văn Phong chính thức đi vào hoạt động hồi cuối tháng 4, bao gồm đập dâng Văn Phong dài 542 m, hệ thống kênh tưới dài 247 km và hơn 3.350 công trình trên kênh. Đập hoàn thiện như một chiếc cầu nối hai bờ vui. Tên gọi đập Văn Phong gắn liền với tên của cụ Văn Phong, người có công đắp đập dẫn nước cho dân trong vùng.

van-phong-dap-nuoc-tram-tuoi-tung-duoc-dap-bang-cay-rung

Đập Văn Phong (Bình Định), công trình cung cấp nước tưới cho 13.000 ha đất. Ảnh: Phương Thảo

Ông Trần Trước (79 tuổi), người cuối cùng trong ban Yểng (Ban quản lý hệ thống kênh mương, thủy lợi ngày xưa của đập dâng Văn Phong) cho biết, cụ Văn Phong, người xã Tây An (huyện Tây Sơn) vốn giàu có trong vùng. Cụ đã bỏ tiền, công sức ngăn dòng sông Kôn lấy nước tưới tiêu cho cư dân.

Con đập được đắp bằng cây rừng (người địa phương gọi là bổi) cùng hệ thống kênh mương kéo dài hơn 7 km phục vụ tưới tiêu cho 7 xã phía đông huyện Tây Sơn và một phần xã Nhơn Mỹ (thị xã An Nhơn).

“Ngày đó máy móc chưa có, cụ Văn Phong đi ngược lên thượng nguồn nghiên cứu dòng chảy. Sau đó, cụ chọn đoạn chảy qua thôn Phú Lạc (xã Bình Tường, huyện Tây Sơn) dựng đập. Khúc sông này có độ dốc vừa phải, ngăn dòng đưa nước về các nơi”, cụ Trước kể.

Không chỉ có công thiết kế đập, cụ Văn Phong còn thiết lập hệ thống quản lý đê đập, kênh mương và thu chi tài chính gọi là ban yểng mà đến nay trong ngành thủy lợi vẫn còn áp dụng. 

Tiến sỹ Đinh Bá Hòa - Giám đốc Bảo tàng tổng hợp tỉnh Bình Định - lý giải, yểng là tổ chức dẫn nước vào ruộng theo các đập nước. Mỗi yểng có một ban do những người làm ruộng bầu ra, được tri huyện quản lý rất chặt về mặt hành chính. Nếu việc chia nước không công bằng, xảy ra kiện tụng thì quan tri huyện phải trực tiếp xuống xử lý, chia nước ngay tại đập. Mỗi ban yểng có 4 người làm việc tự nguyện, không nhận thù lao, mỗi năm bán 4 giờ nước lấy chi phí…

Sau ngày giỗ cụ Văn Phong (1/11), các ban cử người đi khảo sát đập, kênh mương ghi nhận hư hỏng nhằm tính toán ra ngày công tu sửa. Ngày công đó quy ra lúa, lấy số lúa ấy chia trên đầu mẫu ruộng ăn nước, thu tiền nước của nông dân. 

''Việc cắt bổ đắp đập, khai mương tùy từng điều kiện cụ thể mà có sự phân công rõ ràng. Ai không đi làm phải nộp tiền. Trường hợp không đi, không nộp tiền bị ban yểng xiết nợ, tịch thu tài sản về phát mãi, lấy kinh phí tu sửa đê đập'', tiến sĩ Hòa cho biết.

van-phong-dap-nuoc-tram-tuoi-tung-duoc-dap-bang-cay-rung-1

Nhà thờ cụ Văn Phong, người đắp nên con đập ở Bình Định. Ảnh: Phương Thảo

Tại làng Mỹ Đức (xã Tây An) hiện có đền thờ cụ Văn Phong. Hàng năm, đến ngày 1/4 (giỗ bà) và 1/11 (giỗ ông), dân làng Mỹ Đức và các làng khác tập trung về đền thờ tưởng nhớ vị tiền hiền có công với ngành nông nghiệp của vùng. Đến thờ cụ Văn Phong đã được UBND tỉnh Bình Định xếp hạng di tích vào năm 2012.

Ông Nguyễn Văn Hòa - Phòng Văn hóa thông tin huyện Tây Sơn - khâm phục cụ Văn Phong khi dùng mắt thường mà nghiên cứu được con nước, đắp đập. "Có đoạn kênh dẫn nước gặp núi đá, cụ Văn Phong cho đục dẫn nước vượt qua. Đấy mới thấy quy mô, cái tài tình của cụ Văn Phong trong việc đắp đập, lấy nước cho dân", ông Hòa nói.

Sách ''Đại Nam nhất thống chí” thời nhà Nguyễn có nói đến nhiều đập nước xây dựng trong thời kỳ này. “Đập Văn Phong có tên khác là đập Kiên Mỹ, ở thôn Trinh Tường, huyện Tuy Viễn, xưa gọi đập Văn Phong, họp người 7 thôn để đắp. Năm hạn hán, khi đảo vũ người làm cho nước vọt lên như hình mở đập thì được mưa ngay”.

Sách “Đại Nam thực lục” cũng chép: “Vùng hạ lưu sông Kôn, từ Kiên Mỹ đến Thị Nại có hơn 30 đập lớn nhỏ. Hiện, vùng này vẫn còn một số di tích miếu thờ các bậc tiền hiền có công đắp đập, khai thông mương máng”.

van-phong-dap-nuoc-tram-tuoi-tung-duoc-dap-bang-cay-rung-2

Hạ lưu sông Kôn, bên dưới đập Văn Phong. Ảnh: Phương Thảo

Đập dâng Văn Phong hiện nay được xây dựng trên dấu tích của đập bổi sơ khai, được Nhà nước đầu tư trên 2.000 tỷ đồng xây dựng hợp phần khu tưới, trở thành công trình thủy lợi lớn nhất nước. Hệ thống kênh mương dựa trên hệ thống cũ và được tôn tạo, phát triển thêm.

Công trình Đập dâng Văn Phong hoạt động cơ bản giải quyết phục vụ nước dân sinh và tưới tiêu cho hơn 13.000 ha đất sản xuất các huyện phía Bắc tỉnh Bình Định.

                                                                                                        Phương Thảo



Theo Vnexpress.net
Share on Google Plus

About Unknown

This is a short description in the author block about the author. You edit it by entering text in the "Biographical Info" field in the user admin panel.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét