Mới đây trong cuộc diễn tập chỉ huy cơ quan một bên hai cấp, hiệp đồng với LLVT địa phương của Quân khu 2 đã xuất hiện hình ảnh xe thiết giáp Type 63 sau nhiều năm.
Tính năng cơ bản của xe thiết giáp Type 63
Type 63 (mã sản xuất công nghiệp YW 531) là loại xe thiết giáp chở quân (APC) do Trung Quốc chế tạo, chính thức đi vào biên chế năm 1964, nó được biết đến ở phương Tây với tên gọi M1967 (năm đầu tiên được quan sát thấy).
Đây là một dự án hoàn toàn của Trung Quốc, có liên quan đến động cơ diesel Deutz của Đức và không cần sự trợ giúp về kỹ thuật từ phía Liên Xô. Với thiết kế đơn giản và tin cậy, Type 63 thường được so sánh với các loại APC cùng thời như M113 của Mỹ.
Thân xe thiết giáp Type 63 làm bằng thép hàn, cung cấp sự bảo vệ an toàn trước các loại vũ khí bộ binh cỡ nhỏ. Mặc dù hệ thống treo chỉ bao gồm 4 bánh chịu lực mỗi bên, nhưng độ cơ động vẫn được đánh giá là xuất sắc.
Type 63 có khả năng lội nước rất tốt. Khi bơi, tấm chắn xếp gọn phía trước sẽ được nâng lên, sau đó xe có thể di chuyển trong nước bằng chính xích của mình.
Thông số kỹ thuật cơ bản của Type 63 APC: chiều dài 5,47 m; chiều rộng 2,97 m; chiều cao 1,88 m; trọng lượng 12,6 tấn.
Động cơ diesel Deutz BF8L 413F công suất 320 mã lực cho tốc độ tối đa 65 km/h trên đường nhựa, 6 km/h khi bơi, tầm hoạt động 500 km. Xe leo được dốc 60%, đi trên đường có độ nghiêng 40%, vượt vật cản cao 0,6 m và vượt hào rộng 2 m.
Kíp lái của Type 63 gồm 2 người và mang theo tới 13 lính bộ binh, vũ khí của xe là 1 khẩu đại liên 12,7 mm bố trí chính giữa, ngoài ra trên nóc xe còn có 2 cửa mở để binh lính đứng dậy và tác xạ.
Xe thiết giáp Type 63 trong biên chế Quân đội nhân dân Việt Nam
Vào đầu thập niên 1970, Việt Nam được Trung Quốc viện trợ những chiếc Type 63 đầu tiên, chúng được Việt hóa bằng tên gọi K-63. Chiếc xe bọc thép này đã đóng góp rất tích cực vào những thắng lợi của Quân đội Nhân dân Việt Nam trên chiến trường miền Nam.
Đến năm 1977, Type 63 được huy động để tham gia bảo vệ biên giới Tây Nam. Lúc này việc bảo đảm mắt xích, bánh tỳ của xe cho các đơn vị tăng thiết giáp thuộc Quân khu 7 và Quân khu 9 sẵn sàng bước vào chiến đấu là một nhu cầu rất cấp bách.
Khi đó, nguồn viện trợ các chủng loại phụ tùng vật tư kỹ thuật này không còn, trong kho dự trữ đã hoàn toàn cạn kiệt. Trước tình hình trên, các cán bộ kỹ thuật đã có sáng kiến cải tiến lắp lẫn bánh tỳ và xích xe tăng hạng nhẹ PT-76 cho xe bọc thép Type 63.
Đề tài này đã được ứng dụng trên quy mô lớn, góp phần quan trọng vào chiến thắng của quân đội ta trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Tây Nam.
Sau đó, do gặp phải nhiều khó khăn về vấn đề phụ tùng thay thế nên toàn bộ số thiết giáp Type 63 của Việt Nam đã được rút khỏi biên chế sẵn sàng chiến đấu và chuyển sang chế độ niêm cất bảo quản trong kho.
Tuy nhiên mới đây trong bài viết Quân khu 2: Diễn tập chỉ huy-cơ quan một bên hai cấp, hiệp đồng với LLVT địa phương đăng trên báo Quân đội nhân dân đã xuất hiện hình ảnh xe bọc thép Type 63 đang dẫn bộ binh xung phong vượt cửa mở.
Dựa vào hình ảnh trên, chúng ta có thể nhận định rằng xe thiết giáp Type 63 đã tái hoạt động sau nhiều năm bảo quản dự trữ.
So sánh với một số loại xe bọc thép chở quân khác thì Type 63 hơn hẳn M113 ở độ cơ động, cách bố trí cửa ở đuôi xe cũng giúp binh lính an toàn hơn khi ra vào so với việc phải trèo qua cửa nóc như BTR-60.
Thêm vào đó, mặt trước của Type 63 được làm nghiêng sẽ cung cấp khả năng chống lại đạn xuyên lõm kiểu RPG-7 tốt hơn hai loại thiết giáp trên.
Nếu Việt Nam thành công trong việc tự sản xuất phụ tùng thay thế để phục hồi toàn bộ số xe bọc thép Type 63 đang lưu kho thì có thể nói sức mạnh của lực lượng bộ binh cơ giới sẽ được gia tăng một cách đáng kể.
Theo tintuc.vn
0 nhận xét:
Đăng nhận xét