Cuộc tấn công khủng bố đẫm máu của tổ chức khủng bố tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Paris đã làm lộ rõ những điểm yếu của tình báo phương Tây cũng như làm tăng hoài nghi về chiến lược của chiến dịch chống khủng bố do Mỹ dẫn đầu.
Sau khi tòa soạn tạp chí châm biếm Charlie Hebdo bị tấn công vào tháng 1, chính quyền Pháp đã thông qua một loạt các biện pháp giám sát an ninh để nâng cao khả năng theo dõi các nghi phạm khủng bố cũng như năng lực cho lực lượng chống khủng bố.
Cuộc tấn công khủng bố đẫm máu của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Paris đã làm lộ rõ những điểm yếu của tình báo phương Tây. Ảnh The Wall Street Journal. |
Trong cuộc phỏng vấn được thực hiện một ngày trước khi cuộc thảm sát ở Pháp xảy ra, ông Obama đã bảo vệ chiến dịch không kích IS của liên minh khi tuyên bố nó đã thành công trong việc ngăn chặn bước tiến của IS, gây thiệt hại đáng kể cho tổ chức này thông qua các chiến dịch không kích.
Nhưng chỉ trong vòng vài tuần qua, IS đã tiến hành một vụ đánh bom kép ở Li-băng giết chết 43 người, khẳng định đã cài bom làm rơi máy bay chở khách của Nga tại Ai Cập giết chết 224 người, tiến hành một loạt vụ tấn công tại Pháp giết chết khoảng 132 người. IS vẫn ngấm ngầm phát triển và lan rộng ra nhiều ngõ ngách trên khắp châu lục.
Tổng thống Pháp Francois Hollande tuyên bố đây là một "hành động chiến tranh" và tăng cường chiến dịch không kích các vị trí chiến lược của IS ở Syria để trả đũa. Các cuộc không kích diễn ra sau hai cuộc hội đàm giữa Bộ trưởng Quốc phòng Jean-Yves Le Drian với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter cuối tuần qua về các hoạt động quân sự của liên minh ở Syria và Iraq.
Ngoài hỗ trợ lực lượng Pháp mở rộng hoạt động không kích chống khủng bố, Mỹ cũng hứa hẹn sẽ tăng cường chia sẻ thông tin tình báo với Pháp, tờ Tạp chí Chính sách Đối ngoại dẫn lời một quan chức Lầu Năm Góc hôm 15/11 cho biết.
Tuy nhiên, sự đảm bảo như vậy không đủ để trấn an dư luận quốc tế và nhiều nhà lập pháp Mỹ, bao gồm cả các thành viên nổi bật trong đảng của Tổng thống Barack Obama, những người tin rằng khả năng tình báo và chiến lược chống IS của NATO đều đang thất bại.
"Tôi nghĩ rằng vụ tấn công không chỉ là một sự thất bại của tình báo. Đó còn là thất bại của cả chiến dịch (chống khủng bố IS) của liên minh khi chúng tôi đã để IS rời khỏi Syria và Iraq, có nhiều thời gian để lên kế hoạch và thực hiện âm mưu, có quá nhiều nguồn lực chống lại chúng ta", Adam Schiff, một thành viên của đảng Dân chủ cầm quyền nói với ABC hồi tuần trước.
Schiff cũng cảnh báo rằng trừ phi tình trạng này được cải thiện, phương Tây sẽ còn phải đối mặt với nhiều cuộc tấn công như thế nữa.
Các cơ quan tình báo phương Tây cũng đã thừa nhận rằng họ đang phải vật lộn để theo dõi rất nhiều nghi phạm khủng bố. |
Các cuộc tranh luận tương tự cũng nổ ra ở Bỉ và Pháp, nơi các quan chức tình báo phải đối mặt với những câu hỏi khó về lý do tại sao họ lại không thể phát hiện ra âm mưu hoặc ngăn chặn được các cuộc tấn công đã được lên kế hoạch hoặc ít nhất một phần của nó tại châu Âu.
Theo Dan De Luce - Trưởng ban An ninh Quốc gia của Tạp chí Chính sách Đối ngoại, nguyên do dẫn tới tình trạng trên là Mỹ đã xem nhẹ khả năng của IS và chưa hành động đầy đủ.
Phương Tây vẫn đánh giá quá thấp khả năng của tổ chức IS. Kể từ sau sự kiện ngày 11/9, al-Qaeda đã nhiều lần cố gắng nhưng thất bại trong việc tấn công các máy bay thương mại. Do đó, nhiều cơ quan tình báo phương Tây tin rằng IS không thể thực hiện được vụ tấn công máy bay Nga trên bán đảo Sinai hôm 31/10.
The Wall Street Journal ngày 16/11 dẫn lời các chuyên gia cho rằng các cuộc tấn công khủng bố ở Paris cho thấy Mỹ và đồng minh đã đánh giá quá cao thành tích chống IS của mình và đánh giá quá thấp khả năng của tổ chức khủng bố này.
"Sự ảnh hưởng, tham vọng và tầm với của IS đã phát triển nhanh hơn chúng ta dự đoán," Michael Hayden, một cựu giám đốc của CIA và Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ, nói với tờ The Wall Street Journal. "Các chiến dịch không kích của Mỹ chống lại ISIS hơn giống như một màn sương mù hơn là một cơn bão".
Việc chậm trễ thay đổi chiến lược của Washington đã thu hút chỉ trích của chính giới chức nước này. Trong một tuyên bố ngày 14/11, Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện, Thượng nghị sĩ John McCain đã chỉ trích sự thất bại của chính sách đối ngoại của nước Mỹ và thúc giục Washington phải hành động hơn nữa trong cuộc chiến chống IS nếu không "người Mỹ sẽ phải trả giá lớn".
Chính quyền Mỹ đã có một số thay đổi kể từ sau khi Nga tham gia không kích chống IS ở Syria và giành được nhiều thắng lợi đáng kể. Sau vụ khủng bố tại Pháp, Washington tuyên bố sẽ tăng cường hỗ trợ vũ khí và đào tạo cho lực lượng nổi dậy ôn hòa ở Syria để chống lại IS.
Tuy nhiên, vẫn chưa chắc chắn rằng làn sóng tấn công khủng bố ở châu Âu sẽ kích hoạt một sự thay đổi sâu rộng trong chiến lược và vai trò của Mỹ và các đồng minh NATO trong cuộc chiến này.
Trước khi cuộc tấn công xảy ra, các quan chức phương Tây đã báo động dòng chảy ngày càng tăng của hàng ngàn người châu Âu trẻ tuổi đến Syria và Iraq gia nhập IS và mối đe dọa khi những người này trở về nước và thừa nhận họ đang "bất lực" trước sự lớn mạnh của IS.
Trong một thú nhận hồi tháng 10, Giám đốc Trung tâm Chống khủng bố Quốc gia Mỹ Nick Rasmussen đã cảnh báo các nhà lập pháp nước này về khả năng không thể kiểm soát hết các cách thức liên lạc của những kẻ khủng bố do chúng biết sử dụng công nghệ để phá vỡ các biện pháp giám sát.
Các cơ quan tình báo phương Tây cũng đã thừa nhận rằng họ đang phải vật lộn để theo dõi rất nhiều nghi phạm khủng bố./.
Theo giaoduc.net.vn
0 nhận xét:
Đăng nhận xét