Cảnh sát giao thông Đà Nẵng đang tập trung xử lý "xe mù" không đèn chiếu sáng, không đèn tín hiệu, không biển kiểm soát... Một tháng qua (từ 10/10 đến 10/11), 59 xe không đảm bảo kỹ thuật đã bị tạm giữ. Tuy nhiên, lượng xe quá đát vẫn tràn lan trên địa bàn, đa số được độ lại máy, kéo theo phía sau thùng xe tự chế để vận chuyển hàng hóa cồng kềnh, chạy với tốc độ cao, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông.
Nhiều xe quá đát đang lưu thông trên đường phố Đà Nẵng. Ảnh: Nguyễn Đông. |
Lý giải tình trạng xe quá đát vẫn tràn lan, đại tá Lê Ngọc, Trưởng Phòng Cảnh sát giao thông Đà Nẵng, cho biết Phòng đang xử lý "xe mù" tại 7 giao lộ. Ngoài việc chủ phương tiện không chứng minh được nguồn gốc thì mức phạt cho nhiều lỗi trên mỗi phương tiện là 2 triệu đồng, trong khi giá trị mỗi xe chỉ 700-800 nghìn đồng nên nhiều chủ xe đã "bỏ của".
Năm 2013 và 2014, riêng Phòng cảnh sát giao thông đã tạm giữ khoảng 300 xe quá đát, chưa kể công an các quận, huyện. Theo Luật giao thông, nếu chủ phương tiện không đến nhận thì phải tổ chức bán đấu giá, nhưng hóa giá xe quá đát không hề đơn giản. Cảnh sát giao thông phải lục lại hồ sơ, gửi thông báo đến đúng địa chỉ, nếu không có người đến làm việc thì mới được bán. Chưa kể việc phải chà số khung, số máy, mời bộ phận giám định đến rồi chờ lấy kết quả, tốn tiền đăng tin thông báo. "Những khoản tiền phát sinh này có khi 3 năm chúng tôi vẫn không thanh toán được", đại tá Ngọc nói.
Năm 2015, Phòng Cảnh sát giao thông Đà Nẵng bán đấu giá 133 xe, gồm cả tốt lẫn xấu, xe trộm cướp không xác minh được, xe lắp biển số giả. Nhưng khi chuyển qua trung tâm đấu giá Đà Nẵng cũng chỉ định giá được 120 triệu đồng. "Bình quân mỗi xe chưa đến một triệu đồng. Chủ đầu nậu đứng ra đấu gia, rồi đưa về tân trang, sau đó bán ra thị trường. Do đó việc xử lý xe vi phạm, xe quá đát cứ rơi vào vòng luẩn quẩn", đại tá Ngọc thở dài.
Những xe vi phạm đang bị tạm giữ tại UBND xã Hòa Liên. Ảnh: Nguyễn Đông. |
Ông Nguyễn Thu, Chủ tịch UBND xã Hòa Liên (huyện Hòa Vang) Đà Nẵng cho biết xã đang chờ phương án xử lý 20 xe vi phạm. Số xe này phần lớn là của người người trộm chó vứt lại khi bị dân truy đuổi, hay của những người trộm vật liệu ở các dự án trên địa bàn, nhiều xe lắp biển số giả. Theo quy định nếu hết thời gian điều tra, số xe này sẽ được xin ý kiến huyện để bán đấu giá và chắc chắn sẽ tiếp tục được lưu thông.
Chủ một tiệm sửa xe cho biết, những xe dù hết đát khi được thanh lý sẽ được tân trang, và những người lao động chuyên chở hàng nặng, chở hàng thuê lại mua sử dụng vì giá vừa với túi tiền. Tuy nhiên, người này cũng thừa nhận, nhiều xe do khung, sườn đã bị hư hỏng, thậm chí đứt lìa nên việc gia cố chỉ là tạm thời, các phương tiện này khi lưu thông không thực sự đảm bảo.
Đề cập đến bài toán xử lý dứt điểm "xe mù", đại tá Lê Ngọc nói tại cuộc họp giao ban với Cục Cảnh sát giao thông vừa qua, cá nhân ông đã đề xuất phương án tiêu hủy xe quá đát. "Dĩ nhiên những xe còn tốt thì mình đấu giá, còn xe quá nát thì phải tiêu hủy. Phải có cơ chế đề xuất Chính phủ tiêu hủy, vì luật hiện tại là phải đấu giá. Cuối năm nay tôi sẽ gửi văn bản lên Cục cảnh sát giao thông cũng như lãnh đạo thành phố", ông Ngọc nói thêm.
Nguyễn Đông
Theo Vnexpress.net
0 nhận xét:
Đăng nhận xét