Những ngày qua, cả thế giới đang cùng nhau chứng kiến và cảm nhận tàn tích, dư âm các vụ tấn công khủng bố, từ thủ đô Beirut của Libanon đến kinh đô Paris hoa lệ và những nơi khác nữa.
Trong khuôn khổ bài viết này, tôi sẽ không bàn về cái gọi là “thứ tự ưu tiên” dành cho Paris, hay bất kì một mảnh đất nào khác phải hứng chịu những hành động phi nhân tính kể trên. Mỗi xã hội đều có một cuộc sống riêng. Mạng xã hội của Việt Nam mấy ngày nay đang sống chẳng bình lặng, điều mà nó vẫn thế.
Người dân Pháp thể hiện sự đoàn kết trước tình trạng báo động của an ninh quốc gia |
Chỉ cần lướt qua Facebook, người ta vẫn có thể nhận ra một điều đặc biệt và nổi bật, đó là lá cờ ba màu của Pháp. Màu sắc đó đã trải khắp các ảnh đại diện, ảnh bìa… và tất nhiên caption đi kèm cũng khác nhau.
Đến lúc này, câu chuyện “hiệu ứng đám đông” lại được đưa ra khiến chúng ta nhớ đến cờ lục sắc, biểu tượng của LGBT (người đồng tính). Tuy nhiên, chỉ là gợi nhắc thôi vì vấn đề giữa hai sự việc vốn khác nhau, và so sánh sẽ rất khập khiễng.
Người ta tranh cãi, bày tỏ quan điểm, thậm chí có những người còn công kích nhau một cách gián tiếp qua mạng xã hội. Người thì cảm nhận đây là một hành động nhỏ nhưng đầy tính nhân văn, là lúc cả thế giới cùng nhìn về một hướng, cùng mong ước một cuộc sống hòa bình, hạnh phúc.
Người thì cho rằng chúng ta đang lo xa cho một đất nước "ở đẩu, ở đâu" trong khi ở Việt Nam cũng có hàng trăm người chết mỗi ngày vì nhiều lý do mà chẳng ai quan tâm. Đến ý này thì tôi lại liên tưởng đến một câu mà các cụ nhà ta hay nói: “Ăn cơm rau mà nói chuyện chính trị”.
Đúng, nước Pháp xa thật, Hà Nội của chúng ta cách Paris khoảng 9.195 km theo đường chim bay. Ấy thế mà thông tin lan truyền nhanh chóng, tạo nên hiệu ứng không ai có thể phủ nhận được. Vậy trước hết ta nên công nhận, và cảm ơn sức mạnh của truyền thông quốc tế.
Vượt lên trên tất cả là sự đoàn kết dù chưa được “hành động hóa” cụ thể của cộng đồng quốc tế. Toàn nhân loại đang cùng nhìn về một hướng: Chống chủ nghĩa khủng bố.
Tại cuộc họp của nhóm kinh tế mạnh nhất thế giới G20 tổ chức tại Thổ Nhĩ Kỳ, các vị nguyên thủ quốc gia đã dành một phút mặc niệm cho các nạn nhân xấu số tại Paris.
Khắp nơi trên thế giới, trong những trận đấu bóng đá, bóng rổ, tennis hay ở lễ chào cờ tại một trường học, người ta đã cùng nhau nắm chặt tay, dành một khoảnh khắc để tưởng niệm cho những người kém may mắn.
Đó là các ví dụ từ cộng đồng quốc tế, họ rất đoàn kết. Vậy người dân Việt Nam mình cũng có quyền bày tỏ lòng cảm thương, sự đoàn kết của mình chứ?
Dù khủng bố với chúng ta có thể chưa phải mối lo “sát sườn”, nhưng hành động nhỏ kia sẽ khơi dậy phần nào tình yêu thương đồng loại và sự đoàn kết trong tâm khảm mỗi người.
Chúng ta thà có một phút giây ngắn ngủi để cảm nhận giá trị nhân văn thực của cuộc sống, còn hơn là cứ mãi “đóng đinh” mình trong những tư tưởng, suy nghĩ thực dụng.
Vì thế, hãy cứ thể hiện tình yêu, lòng cảm thương, dù trong bản thân mình những thứ cảm xúc ấy chưa thực sự chín muồi. Rồi sẽ có lúc “hiệu ứng” và “xu hướng” trở thành những quy luật nhân văn lý tưởng.
Vậy làm thế nào để đoàn kết? Làm thế nào nào để vun đắp tình yêu thương đồng loại? Câu hỏi này vẫn đang chờ những câu trả lời của tất cả chúng ta.
Xin trích một sự kiện mới đây tại Việt Nam để thay cho lời kết. Ngày 15/11, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã về dự Ngày hội Đại đoàn kết dân tộc tại thôn Tháp Thượng, xã Song Phượng, huyện Đan Phượng, Hà Nội. Trong bài phát biểu của Tổng bí thư, có một ý được ông nhấn mạnh: “Đại đoàn kết dân tộc phải được phát huy từ sự đoàn kết trong nhà, trong dòng họ, trong thôn xóm…”.
>> Xem thêm: Chiến đấu cơ Pháp xuất kích nhằm vào đầu não IS sau khủng bố Paris / CĐV Pháp hát vang quốc ca sau vụ khủng bố đẫm máu
Chia sẻ bài viết của bạn tại đây.
Theo Vnexpress.net
0 nhận xét:
Đăng nhận xét