Do tiến độ "rùa bò" của chương trình phát triển máy bay F-35 đã tạo cơ hội cho loạt chiến đấu cơ sắp hết date của Mỹ được kéo dài tuổi thọ.
Thêm cơ hội cho F/A-18C
Tờ "Tin tức Trung Quốc" ngày 9/11 dẫn nguồn tin quân sự Mỹ cho biết, do chiến đấu F-35C phải trì hoãn triển khai vì gặp phải hàng loạt vấn đề nên Hải quân Mỹ sẽ mua sắm bổ sung 24 - 36 máy bay chiến đấu F/A-18E/F Super Hornet trong năm tài khóa 2018, đồng thời nâng cao tuổi thọ cho máy bay chiến đấu F/A-18C.
Theo Thiếu tướng Michael Manazir, Chủ nhiệm không chiến Hải quân Mỹ: "Chúng tôi tồn tại thách thức trong quản lý tồn kho máy bay chiến đấu tấn công. Nếu máy bay chiến đấu tấn công hiện có yêu cầu sử dụng đến năm 2030, thì chúng tôi có một 'lỗ hổng'. 'Lỗ hổng' trong giai đoạn đầu của thập niên 2020 khoảng 138 máy bay".
Hải quân Mỹ hy vọng thông qua kéo dài tuổi thọ của máy bay chiến đấu F/A-18C (từ 6.000 giờ đến 10.000 giờ) và mua sắm "2 - 3 phi đội" máy bay chiến đấu F/A-18E/F để khắc phục thiếu thốn này.
Tướng Manazir cho biết, năm 2014, Hải quân Mỹ đã sửa chữa khoảng 30 máy bay cũ, tỷ lệ thực hiện năm nay đã tăng 40%. Năm 2017, Hải quân Mỹ hy vọng kéo dài tuổi thọ cho 104 máy bay chiến đấu F/A-18C.
Tất cả việc mua sắm mới với F/A-18E/F Super Hornet và kéo dài tuổi thọ cho F/A-18C đều xuất phát từ nguyên nhân tiêm kích F-35C đang gặp hàng loạt vấn đề kỹ thuật mà nhà sản xuất chưa thể khắc phục được, đặc biệt là lỗi ở hệ thống máy tính điều khiển súng máy 25mm.
Một quan chức Không quân Mỹ nói với tờ Daily Beast: "Sẽ chẳng có loại súng nào cho F-35C đến khi phần mềm Block 3F được hoàn thiện trong vòng 4 năm tới. Block 3F có kế hoạch ra mắt vào năm 2019, nhưng làm sao chắc chắn thời gian này sẽ không kéo dài hơn".
Lỗi vừa được phát hiện có thể ảnh hưởng đến hoạt động áp sát trên không của F-35. Mặc dù, chiếc máy bay vẫn còn trang bị nhiều loại vũ khí khác, tuy nhiên, như vậy vẫn là chưa đủ.
Ngoài ra, mặc dù khẩu súng máy 25mm có tốc độ nhả đạn cực khủng là 3.400 viên/phút, tuy nhiên F-35 lại chỉ đem theo được 180 viên đạn ở phiên bản hải quân và 220 viên đạn ở bản dành cho lục quân. Như vậy, nếu phải cận chiến súng máy trên F-35 cũng sẽ chỉ sử dụng được từ 3 đến 4 giây là hết đạn.
Cường kích A-10 thành "kẻ đóng thế"
Không chỉ F/A-18C được kéo dài tuổi thọ vì F-35 gặp lỗi mà cường kích A-10 cũng trở thành kẻ đóng thế. Chương trình F-35 ra đời là để thay thế những dòng chiến đấu cơ thế hệ cũ A-10 và F-16 của không quân, Boeing F/A-18 của hải quân và Boeing AV-8B Harrier II của thuỷ quân lục chiến.
Tuy nhiên, với tiến độ ‘rùa bò’ của chương trình F-35, cường kích A-10 trở thành kẻ thay thế ngược bất đắc dĩ mà Mỹ buộc phải lựa chọn. Được đưa vào sử dụng từ năm 1977, A-10 là mẫu máy bay chuyên dùng để hỗ trợ hỏa lực cho các lực lượng mặt đất.
Trong vai trò đó, A-10 chuyên hoạt động ở độ cao thấp và tốc độ hạ âm. Động cơ phản lực của nó không có chế độ đốt hậu. Do chủ yếu hoạt động ở độ cao thấp, A-10 được thiết kế để có thể chịu được hư hại nặng gây ra bởi hỏa lực phòng không của đối phương, đặc biệt là pháo cao xạ và tên lửa tầm gần. Nó được cho là có khả năng chịu hư hại gấp 10 lần các loại máy bay khác trong 1 số tình huống.
Hiện nay, Không quân Mỹ không muốn ngừng sử dụng A-10 vì có thể giúp tiết kiệm 3,7 tỷ USD, số tiền này có thể được dùng cho chương trình F-35. Ngoài lý do tiết kiệm chi phí, A-10 còn có những ưu điểm mà không có mẫu máy bay nào khác có được, đặc biệt là khả năng chống chọi với hỏa lực của đối phương.
Trong 2 cuộc chiến Vùng Vịnh đã có nhiều trường hợp A-10 có thể bảo vệ phi công và duy trì hoạt động ngay cả sau khi bị hư hại nặng. Trong chiến tranh Vùng Vịnh lần 1 (1991), một chiếc A-10 bị trúng liên tiếp 4 phát đạn từ pháo phòng không 57mm.
Trong đó 2 phát trúng đuôi, 1 phát nổ ngay trước mũi máy bay, 1 trúng vào cánh phải và gây kích nổ cho quả tên lửa đối không Sidewinder gắn ở đó. Tổng cộng chiếc A-10 có 378 lỗ thủng trên thân, trong đó 17 lỗ ngay dưới buồng lái. Tuy vậy, viên phi công vẫn bình yên vô sự và có thể hạ cánh an toàn.
Dù đã khá 'cao tuổi' nhưng A-10 vẫn có ưu thế nhất định so với việc dùng vũ khí chính xác. Hỏa lực từ đại liên 7 nòng 30mm của A-10 có thể được dùng để tấn công khi đối phương đang ở rất gần đồng đội, trong khi đó các loại bom thông minh không thể được thả ở khoảng cách quá gần.
Đối với bom loại 500kg, khoảng cách được xem là an toàn đối với đồng đội trong tác chiến là hơn 400m, con số này đối với đại liên 30mm là của A-10 là 150m. Chính những ưu điểm của A-10 khiến dòng cường kích này trở thành kẻ đóng thế cho đến khi F-35 chính thức đi vào trực chiến.
Theo tintuc.vn
0 nhận xét:
Đăng nhận xét