Theo truyền thông Nga và Ấn Độ, thỏa thuận quốc phòng lịch sử giữa 2 nước có giá trị ky luc co thê đươc ky kêt trong thang 12 tới.
Ấn Độ dựa Nga tăng cường khả năng phòng không-không quân
Theo các chuyên gia quân sự, trong khuôn khổ chuyến thăm Moscow dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 12 sắp tới của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, hai bên có thể ký kết thỏa thuận quốc phòng có giá trị lớn nhất trong lịch sử hợp tác kỹ thuật-quân sự Nga-Ấn.
Điều khoản quan trọng nhất của giao dịch này là Nga sẽ cung cấp cho Ấn Độ các hệ thống phòng không tối tân S-400 do hãng Almaz-Antei phát triển.
Nguồn tin trong Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho biết rằng, tại cuộc họp gần đây của Ủy ban liên chính phủ Nga-Ấn về hợp tác kỹ thuật-quân sự, Nga đã nhất trí thông qua quyết định bán 10 hệ thống phòng không S-400 cho Ấn Độ, với hợp đồng trị giá tới 6 tỷ USD.
Phó đô đốc hải quân Ấn Độ về hưu Anil Chopra cho rằng, trong thời gian tới, nước này sẽ phải chi ra khoản tiền lớn để mua các trang, thiết bị, vũ khí tiên tiến của Nga.
Ông cho biết, thời của ông khi mua các máy bay MiG-21 thì chỉ phải trả 10 triệu USD cho mỗi chiếc. Còn bây giờ giá trị các loại vũ khí tiên tiến đã tăng gần 10 lần, mỗi hạng mục mua sắm đều cần tới hàng tỷ USD.
Vị Phó đô đốc hải quân Ấn Độ đánh giá hệ thống phòng không của đất nước mình lạc hậu khoảng 40 năm so với thời đại. New Dehli đã trì hoãn mãi với quyết định hiện đại hóa nó và bây giờ phải trả giá cao hơn các nước khác để mua các công nghệ mới nhất.
Theo kế hoạch ban đầu, ngoài các hệ thống S-400, Ấn Độ đã có ý định chế tạo 127 máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm FGFA, được chế tạo trên nguyên mẫu tiêm kích tàng hình thế hệ 5 của Nga là Sukhoi PAK FA T-50, với tổng trị giá 25 tỷ USD.
Hiện nay, New Dehli đã chi hàng tỷ USD đầu tư cho chương trình nghiên cứu, chế tạo của Nga. Nhưng sau đó, hai bên có những bất đồng về công nghệ và chi phí nên đại diện cơ quan quân sự của hai nước vẫn đang tiếp tục đàm phán về vấn đề này.
Ngoài ra, hai bên đang tiếp tục cuộc đàm phán liên quan đến việc Ấn Độ nhận giấy phép sản xuất trực thăng đa năng Ka-226T. Theo nguồn tin cao cấp trong Bộ Quốc phòng Ấn Độ, Chính phủ nước này muốn sớm giải quyết vấn đề này vì có nhu cầu hiện đại hóa số máy bay trực thăng của đất nước.
Tại các cuộc đàm phán, hai bên cũng sẽ đề cập đến sự hợp tác trong lĩnh vực hải quân. Trong năm nay, Ấn Độ và Nga có thể ký kết hợp đồng dài hạn về việc Hải quân Ấn Độ thuê thêm các tàu ngầm hạt nhân chiến lược lớp Akula của Nga để đúc rút kinh nghiệm vận hành các tàu ngầm hạt nhân quốc nội.
Hai bên lên kế hoạch trong tương lai trên lãnh thổ Ấn Độ sẽ lập liên doanh sửa chữa tàu ngầm hạt nhân do Nga đầu tư, đồng thời New Dehli cũng đang bắt tay với Moscow trong dự án chế tạo tàu ngầm hạt nhân tấn công đầu tiên của nước này.
Ngoài ra, dự án đóng thêm các phiên bản nâng cấp của các tàu hộ vệ hạng nặng lớp Talwar (phiên bản xuất khẩu của chiến hạm lớp Krivak III), có khả năng mang các tên lửa hành trình tấn công nhanh nhất thế giới BrahMos cũng sẽ được 2 bên tiếp tục bàn bạc
Trong cuộc đàm phán, ông Vladimir Putin và ông Narendra Modi cũng sẽ thảo luận về việc xây dựng lò phản thứ năm và thứ sáu tại nhà máy điện hạt nhân Kudankulam, cũng như về khả năng khởi động dự án xây dựng một nhà máy điện hạt nhân mới ở Ấn Độ.
Trung Quốc cũng tăng cường sức mạnh quân sự bằng vũ khí Nga
Ấn Độ tăng cường sức mạnh quân sự trong tương lai bằng vũ khí Nga thì Trung Quốc cũng đang làm điều tương tự.
Trong lĩnh vực phòng không, Bắc Kinh còn đặt mua các hệ thống S-400 sớm hơn cả New Dehli. Hơn nữa, Trung Quốc còn sở hữu nhiều loại tên lửa phòng không rất mạnh của Nga như S-300 (thế hệ tiền nhiệm của S-400) hay các hệ thống phòng không hạm Shtill.
Về không quân, Ấn Độ mua sắm số lượng lớn Su-30MKI và FGFA thì Trung Quốc cũng đã đặt mua tiêm kích thế hệ 4++ hiện đại nhất của không quân Nga hiện nay là Su-35 cùng với 100 chiếc Su-30MKK đã mua trước đó, cùng với hàng loạt tên lửa chiến thuật gắn trên máy bay.
Trong lĩnh vực máy bay trực thăng, Nga và cũng đã ký kết hợp đồng hợp tác chế tạo loại máy bay vận tải lớn nhất thế giới Mi-26T2. Ngoài ra, Bắc Kinh còn có số lượng không nhỏ các máy bay trực thăng dòng Mi-8 và phiên bản xuất khẩu của nó.
Ấn Độ dựa vào Nga để nâng cao sức mạnh lực lượng tàu ngầm hạt nhân và thông thường thì Trung Quốc cũng đang dự định mua sắm các tàu ngầm AIP Project 677 lớp Lada để nâng cao sức mạnh cho lực lượng tấn công ngầm (cùng với các tàu ngầm diezen-điện lớp Kilo Project 636 và 877EKM đã mua trước đó), đồng thời hoàn thiện công nghệ chế tạo hệ thống động lực tuần hoàn khép kín AIP.
Có thể nhận định rằng, cả Nga và Ấn Độ đều đang dựa vào Nga để bổ khuyết những chỗ yếu và thiếu của mình. Tuy nhiên, xét về tổng thể, mối quan hệ hợp tác kỹ thuật quân sự Nga-Ấn vẫn có chiều sâu và mức độ tin tưởng cao hơn so với “tình bạn” Nga-Trung.
Theo tintuc.vn
0 nhận xét:
Đăng nhận xét