Mỹ từng lên kế hoạch đưa chuyên gia phân tích tình báo lên quỹ đạo để do thám Liên Xô. Ảnh: Wikipedia |
Thập niên 1960 là thời kỳ căng thẳng nhất trong quan hệ bang giao giữa Mỹ và Liên Xô. Cuộc chạy đua công nghệ quyết liệt giữa hai quốc gia này cũng khiến cho nền khoa học thế giới, đặc biệt là khoa học vũ trụ gặt hái những thành tựu phi thường.
Một tài liệu tuyệt mật của không quân Mỹ mới được giải mã hồi tháng 10 cho thấy giới chức Mỹ lúc đó đã lên kế hoạch rất chi tiết về việc đưa một trạm quan sát cùng phi hành gia vào vũ trụ để giám sát mọi động thái quân sự của Liên Xô, theo tờ Atlantico của Pháp.
Kế hoạch này được đưa ra trong thời kỳ đỉnh điểm của Chiến tranh Lạnh, khi Liên Xô đã đạt được nhiều thành tựu về khoa học công nghệ vũ trụ, khiến người Mỹ cảm thấy "xấu hổ" và phải nỗ lực vượt bậc để bắt kịp.
Kế hoạch 'điên rồ'
Rút kinh nghiệm từ những bất ngờ do không nắm được thông tin tình báo chính xác về tiềm năng của đối thủ và để Liên Xô vượt mặt trong thời gian dài về công nghệ vũ trụ, chính quyền Mỹ đã ra lệnh cho giới tình báo quân sự phải cải thiện hiệu suất thu thập thông tin.
Năm 1962, dựa trên những thành tựu đạt được trong quá trình chạy đua công nghệ với Liên Xô, các chuyên gia quân sự Mỹ bắt đầu tính toán đến khả năng sử dụng công nghệ vũ trụ để thu thập những thông tin tình báo về những động thái quân sự cũng như khoa học kỹ thuật của Moscow.
Những tiến bộ về thiết bị quang học càng củng cố quyết tâm xây dựng một trạm quan sát được trang bị kính viễn vọng khổng lồ trong vũ trụ của giới chức quốc phòng Mỹ.
Theo các tài liệu được giải mật, lãnh đạo tình báo cấp cao của Mỹ nhận định với một thiết bị như thế, không động thái nào của Liên Xô cũng như các đồng minh trên toàn cầu có thể thoát khỏi tầm ngắm của Washington.
Vấn đề nan giải là phần lớn các vệ tinh chụp ảnh trinh sát thời điểm đó còn rất thô sơ. Chất lượng hình ảnh thấp không thể giúp các nhà phân tích tình báo Mỹ phân biệt và nhận định chính xác về các mục tiêu vốn rất đa dạng và được ngụy trang khéo léo.
Để khắc phục điểm yếu về chất lượng hình ảnh, lãnh đạo Lầu Năm Góc thời đó đã quyết định thực hiện một kế hoạch bị coi là "điên rồ": Đưa các chuyên gia phân tích hình ảnh tình báo lên trạm không gian để trực tiếp quan sát qua kính viễn vọng trong khoảng thời gian một tháng.
Bất chấp những thách thức lớn về kỹ thuật và tài chính, dự án tuyệt mật với tên gọi Phòng thí nghiệm quỹ đạo (MOL) được chính thức phê duyệt vào năm 1963 dưới vỏ bọc một dự án nghiên cứu khoa học vũ trụ thuần túy. Tất cả các phi hành gia được lựa chọn đều là những chuyên gia phân tích hình ảnh tình báo hàng đầu của Lầu Năm Góc.
Các phi hành gia kiêm chuyên gia phân tích tình báo của Mỹ trong dự án MOL. Ảnh: Atlantico |
Để phóng một trạm quan sát có chiều dài 20 m vào vũ trụ, cũng như duy trì hoạt động của một tổ phi hành gia trong 30 ngày, dự án dự kiến sẽ tiêu tốn một số tiền khổng lồ lên đến 1,5 tỷ USD (thời điểm năm 1965, tương đương 11,3 tỷ USD theo thời giá hiện nay).
Năm 1966, một mô hình thử nghiệm MOL đã được phóng thử tại mũi Canaveral, và được đánh giá là có kết quả rất khả quan.
Tham vọng dở dang
Trên lĩnh vực ngoại giao, sau cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962, quan hệ Mỹ - Xô bắt đầu bước sang giai đoạn lắng dịu, khiến nhu cầu thu thập tình báo không còn quá cấp bách như những năm trước đó.
Năm 1963, Mỹ, Liên Xô và Anh ký hiệp ước cấm thử vũ khí hạt nhân nhằm ngăn chặn các hoạt động thử hạt nhân bên ngoài không gian, dưới mặt nước hoặc trong khí quyển.
Đến thời điểm này, các quan chức ngoại giao Mỹ lo ngại rằng nếu Liên Xô phát hiện ra mục đích thật sự của dự án, họ sẽ coi MOL là hành động của Mỹ châm ngòi cho một cuộc chạy đua vũ trang mới.
"Chúng ta đang đi ngược với các quy tắc ngoại giao quốc tế", Ngoại trưởng Dean Rusk khẳng định trong một buổi tranh luận với Bộ trưởng Quốc phòng Mc Namara về dự án MOL.
Vỏ bọc dự án khoa học vũ trụ thuần túy của MOL cũng không thể che mắt được các chuyên gia tình báo hàng đầu của Moscow. Theo nhiều nguồn tin, KGB đã bắt đầu nghi ngờ về tính xác thực trong dự án khoa học này.
Dự án cũng đối mặt với thách thức ngày càng lớn về tài chính, khi quân đội Mỹ đang sa lầy tại cuộc chiến tranh vô cùng tốn kém ở Việt Nam. Những khoản chi lớn dành cho các hoạt động nghiên cứu và thí nghiệm của MOL đã trở thành gánh nặng cho ngân sách quốc phòng Mỹ.
Cuối cùng, những tiến bộ vượt bậc trong công nghệ hình ảnh của vệ tinh trinh sát khiến MOL chính thức bị hủy bỏ vào năm 1969. Những thông tin về dự án này được giữ kín hơn 45 năm qua và chỉ được giải mật mới đây theo quy định của Mỹ.
Nguyễn Hoàng
Theo VNexpress
0 nhận xét:
Đăng nhận xét