Cháo hành.Ảnh: T.Liệu |
Mùa đông là mùa thường gây bệnh cảm mạo phong hàn, viêm khí quản, phế khí thũng, đau các khớp, ho, ...Do vậy, việc ăn uống, dưỡng sinh và phòng trị bệnh vừa phải bổ âm lại phải chú ý bổ dưỡng. Cần tăng cường giữ ấm tránh lạnh, không hoạt động quá nhiều làm hao tán thể lực. Sáng dậy nên xoa lòng bàn tay, bàn chân. Nếu bị trúng cảm, ho,... có thể áp dụng một trong các món ăn, bài thuốc sau:
Bài 1: Cháo gừng hành: Có tác dụng ra mồ hôi, giải biểu, hòa vị, hết nôn, thích ứng với người sốt, đau đầu, sợ lạnh không ra mồ hôi: Gạo tẻ 60g, gừng tươi 20g, hành củ tươi 30g, muối ăn 5g. Gạo vo sạch cho nước vừa đủ hầm nhừ thành cháo. Hành rửa sạch thái nhỏ, gừng tươi rửa sạch thái thành hạt nhỏ. Khi cháo chín cho hành, gừng, muối vào khuấy đều ăn lúc nóng.
Bài 2: Bối mẫu trứng gà: Có tác dụng trừ phong hàn, chữa cảm mạo, ích khí, nhuận phế, hết ho. Bối mẫu 6g, trứng gà 1 quả. Bối mẫu sao vàng (sấy khô) tán thành bột mịn. Khoét một lỗ đầu trứng gà cho vào 6g bột bối mẫu, dùng giấy dán bít lỗ lại. Đặt trứng vào bát cố định đầu lỗ ở phía trên, chưng cách thủy 15 phút. Ngày ăn 1 quả, một liệu trình là 30 ngày.
Có thể thay thế bài thuốc sau: Nước rau mùi, củ cải, hành tươi: Rau mùi 30g, hành củ tươi 5 củ, củ cải trắng 1 củ. Rau mùi rửa sạch thái nhỏ, hành củ rửa sạch thái ngắn, củ cải rửa sạch thái miếng. Cho tất cả vào nồi, cho thêm 500ml nước đun sôi trong 15 phút, chắt lấy nước uống lúc nóng.
Bài 3 : Nước nhân hạt bí đao, đường đỏ:Có tác dụng chữa ho, viêm họng, nhuận phổi. Nhân hạt bí đao 20g, đường đỏ 30g. Nhân hạt bí đao rửa sạch, giã nát. Trộn nhân hạt bí đao đã giã nát với đường đỏ, khi dùng cho hãm với nước sôi (300ml) chắt lấy nước uống khi còn nóng. Ngày uống 2 lần, uống liên tục từ 7-10 ngày.
Bài 4: Nước hoắc hương gừng tươi: Có tác dụng giải biểu, hòa vị, thích ứng với bệnh phát nhiệt sợ lạnh, mệt mỏi, khắp người khó chịu: Hoắc hương 50g, đường đỏ 20g, gừng tươi 15g. Hoắc hương rửa sạch, thái ngắn, gừng rửa sạch thái mỏng. Cho hoắc hương, gừng tươi vào nồi đổ thêm 300ml nước đun sôi sau 10 phút, gạn lấy nước cho đường vào khuấy tan uống lúc nóng, uống liền 5 thang.
Bài 5: Nước quế chi: Bài thuốc này thích hợp với người ngoại cảm phong hàn, đau đầu, ra mồ hôi, thở khò khè: Quế chi 10g, bạch thược 10g, gừng tươi 10g, đại táo 5 quả, đường đỏ 30g.Rửa sạch các vị trên, cho vào nồi, thêm 500ml nước đun sôi sau 10 phút chắt ra lấy nước cho đường vào quấy tan uống lúc nóng. Dùng liên tục từ 5-7 ngày.
Bài 6: Nước nho gừng: Có tác dụng chữa phong hàn, trị ho: Nho tươi 100g, gừng tươi 30g, chè xanh 10g, mật ong 20g. Nho tươi rửa sạch xay nhuyễn vắt lấy nước. Gừng tươi rửa sạch giã nhuyễn vắt lấy nước, chè xanh rửa sạch pha bằng nước sôi chắt lấy nước. Đổ lẫn nước nho, nước gừng, nước trà và mật ong khuấy đều uống lúc nóng, chia 3 lần trong ngày, uống liên tục 3-5 ngày.
Bác sĩ Trần Thị Hải
Theo suckhoedoisong.vn
0 nhận xét:
Đăng nhận xét