Từ bỏ hủ tục “săn máu”, trở thành dũng sỹ giữa đại ngàn

(ĐSPL) - Nhờ tuyên truyền của cán bộ cách mạng thời bấy giờ, đồng bào Cơ Tu dần nhận thức được kẻ thù thực sự của tộc người mình. Cũng từ đó, những “thợ săn” đã trở thành dũng sỹ giữa đại ngàn và họ từng là nỗi khiếp đảm với giặc ngoại xâm.

Tục “săn máu” cúng thần linh hiện đã lùi sâu vào dĩ vãng.

U mê được đánh thức

Trong hồi ký của mình, nhà cách mạng Quách Xân đã ghi lại câu chuyện cảm động về một chiến sỹ xả thân, chấp nhận hy sinh để khuyên nhủ đồng bào Cơ Tu từ bỏ hủ tục “săn máu”, “giặc mùa” này.

Năm 1953, trong lúc đang học tập chính sách dân tộc ở xã A Vương, đồng chí Trịnh Trâm được tin báo, người làng APờ Lố luộc chim, cắm cữ, sửa soạn xuất quân làm “giặc mùa”. Ông Trâm cấp tốc đến thôn APờ Lố để khuyên bảo. Khi đến nơi, thấy dân làng cấm khách lạ không cho vào, ông nhận ra tình hình hết sức cấp bách.

Ông Trâm liền mắc võng nằm ngoài cổng làng rồi nhắn lời cho các vị già làng chủ chốt: Nếu làng không nghe lời kêu gọi đoàn kết chống ngoại xâm của Đảng và Bác Hồ thì không cần phải đi xa tìm người, cứ ra đây, tôi làm con mồi cho làng lấy máu mà cúng Giàng.

Lúc đó, dân làng APờ Lố biết tin liền bàn tán xôn xao, họ rất bất ngờ trước hành động quả cảm của người chiến sỹ cộng sản. Nhiều luồng dư luận xuất hiện thời điểm đó, người thì cho rằng, nên nghe theo lời cán bộ, người lại cho rằng, đó là vận may đến với làng, chẳng cần tìm đâu xa cũng có máu để hiến tế thần linh.

Thế rồi, sau khi thảo luận sôi nổi, cuối cùng người cao tuổi trong làng quyết định, xóa “cử” (lệnh cấm khách lạ) mời cán bộ vào làng. Sau khi được người chiến sỹ cách mạng phân tích, dân làng APờ Lố đã từ bỏ ý định đi làm “giặc mùa”. Và từ đó, người dân APờ Lố đi theo tiếng gọi của cách mạng, đấu tranh chống giặc ngoại xâm. Họ bỏ hẳn hủ tục “săn máu” ám ảnh ở phía sau.

Sau lần đồng chí Trịnh Trâm dùng thân mình thuyết phục người làng APờ Lố ngừng làm “giặc mùa”, nhiều cán bộ cách mạng thời kỳ bấy giờ cũng vào cuộc thuyết phục người dân tộc Cơ Tu ở các bản, làng khác từ bỏ hủ tục “săn máu”. Ở Quảng Nam, sau năm 1945, chính quyền huyện Giằng (Nam Giang ngày nay) và huyện Hiên (Đông Giang và Tây Giang hiện nay) đã khéo léo tổ chức cuộc gặp gỡ giữa các bản làng, tổ chức các buổi “lễ đạp giáo” để từ nay đồng bào dân tộc không dùng lưỡi giáo lấy máu cúng Giàng nữa.

Già làng Phạm Văn Noọc ở thôn Aprung (xã Thượng Long, huyện Nam Đông) kể lại rằng: “Sau 1950, tình hình “giặc mùa” có biến chuyển tốt khi Bộ đội Cụ Hồ, cán bộ cách mạng thâm nhập sâu vào cuộc sống của đồng bào Cơ Tu. Họ tuyên truyền, chỉ rõ sự thù hận chỉ mang đến nỗi khổ đau chồng chất cho người dân, máu người không thể giúp cho đồng bào có cuộc sống tốt và sẽ mắc mưu chia rẽ dân tộc của địch.

“Đồng bào phải đoàn kết, chăm chỉ sản xuất, cùng đấu tranh đánh đuổi quân thù, khi chính quyền cách mạng về tay nhân dân, đồng bào thực sự làm chủ núi rừng thì cuộc sống mới đổi thay được. Những lời tâm huyết của cán bộ cách mạng khiến người Cơ Tu mình ưng cái bụng lắm”, già làng Noọc nhớ lại.

Theo các già làng, sau khi được ánh sáng cách mạng soi tỏ, đồng bào người Cơ Tu đã trở thành những dũng sỹ diệt giặc quả cảm.

Trong cuốn hồi ký của nhà cách mạng Quách Xân còn ghi lại sự kiện Đại hội Đoàn kết năm 1952. Đây là sự kiện có tính chất lịch sử đối với đồng bào dân tộc ở huyện Giằng. Những mâu thuẫn chồng chất hàng trăm năm trước đó đã được xóa bỏ. Các thôn làng người Cơ Tu, Bhee không còn “săn mồi” lẫn nhau.

Kể từ đây, người Cơ Tu sử dụng những cuộc “săn máu” để trừ khử những tên quan tàn ác, làm tay sai cho giặc. Bởi chính sách đàn áp đồng bào dân tộc của thực dân Pháp lúc bấy giờ đã gây căm phẫn trong đồng bào ở các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam.

Chính sách “xâu”, bắt người dân tộc đi lao động khổ sai, đẩy người Cơ Tu vào tột cùng khốn đốn. “Xâu Giằng, hai tiếng đó bấy giờ gieo bao nỗi khủng khiếp cho đồng bào, nó gieo tai họa cho tất cả gia đình. Đó là những ngày dài đen tối, sống trong rừng thiêng nước độc”, nhà cách mạng Quách Xân miêu tả.

Cùng với sự đàn áp của thực dân, đồng bào còn bị một số tư sản mại bản thời bấy giờ lợi dụng lòng tin, bóc lột hàng hóa, sản phẩm làm ra. Thời đó, đồng bào Cơ Tu thường bảo nhau “lính đồn đánh đập, thương lái bóc lột”. Và, họ cũng xem những thương lái gian lận là “giặc”.

Đối với đồng bào Cơ Tu lúc bấy giờ, lính đồn và thương lái là hai loại tay sai của Pháp mà họ rất căm thù. Đỉnh điểm nhất của sự việc là vụ trừ khử Mụ Tâm, một thương lái lớn ở huyện Đại Lộc lúc bấy giờ. Đây là tên tay sai cho giặc, hà hiếp đồng bào, ai không bán hàng cho mụ thì bị bắt trói, đánh đập.

Rồi sau đó là những vụ đồng bào Cơ Tu nổi lên giết những tên cúi đầu làm tay sai cho giặc. Vụ giết Mụ Tâm, Đốc Cháy, Đốc Kim thể hiện thái độ cương quyết của đồng bào Cơ Tu không dung tha bất kỳ ai, dù là người Cơ Tu hay người Kinh làm tay sai cho đế quốc, phong kiến, làm hại đồng bào.

Người Cơ Tu đồng lòng giết giặc

Chấm dứt thời kỳ thực dân Pháp đô hộ, đến đế quốc Mỹ xâm lược, người Cơ Tu đã bỏ hẳn tục “săn máu”, làm “giặc mùa”. Người dân đã đoàn kết, yêu thương nhau chống giặc ngoại xâm. “Đám thương nhân giải thích cho bọn ngụy quân ngụy quyền về “giặc mùa”, lại còn kể thêm những hành động xuất quỷ nhập thần của “giặc mùa” khiến cho đám tay sai đế quốc Mỹ run rẩy trước phong tục đáng sợ này của người Cơ Tu. Chúng còn sợ hơn, vì trong “giặc mùa” còn sự hướng dẫn của cán bộ cộng sản đang hoạt động trên núi”, trích hồi ký của nhà cách mạng Quách Xân.

Thế rồi, “những cuộc hành quân của ngụy quân lên vùng đồng bào dân tộc ở huyện Hiên và huyện Giằng lúc bấy giờ đều vấp phải sự kháng cự mạnh mẽ từ đồng bào. Năm 1958, bọn mật thám đi xuồng trên sông Vu Gia để dò xét tình hình vùng thấp ở huyện Giằng liền bị “giặc mùa” dùng tên độc bắn chết 2 người.

Ở huyện Hiên, lính đồn tuần tra dọc sông A Râng cũng bị trúng tên độc, chạy về đồn Hiên ngã lăn quay làm cho vợ chồng tên quận trưởng hoảng hốt bỏ chạy... Đầu năm 1958, “giặc mùa” táo bạo xuống đến Cột Buồm gần đồn Hiên đâm bà Chẩn – một tư thương giàu có... Cũng trong thời gian đó, “giặc mùa” bắn tên vào cơ quan ngụy quyền ở Thạnh Mỹ, huyện Giằng gây náo động cả vùng”, hồi ký Quách Xân ghi.

Sau những lần bị chống trả, lực lượng ngụy quân, ngụy quyền ở khu vực Quảng Nam không dám hoạt động ở vùng sâu nơi có đồng bào dân tộc nữa. Hai từ “giặc mùa” trở thành nỗi khiếp đảm. Bởi bọn tay sai biết rằng, trên rừng núi bao la có một lực lượng cách mạng hết sức trung thành với Đảng, hết sức dũng cảm, được miền Bắc hỗ trợ mọi mặt. Những hoạt động đó làm cho địch khiếp sợ, một bộ phận của lực lượng đó là “giặc mùa”.

Giờ đây, những ngôi nhà Gươl nằm vắt vẻo trên dãy Trường Sơn vẫn còn đó. Dân tộc Cơ Tu kiêu hãnh vẫn còn đó. Họ sớm tìm ra chân lý. Nhớ lại quá khứ của dân tộc mình, già làng Noọc tâm sự: “Đó là một thời kỳ đầy ám ảnh, đầy kinh hoàng, nếu không có ánh sáng của Đảng, không biết cuộc sống người Cơ Tu mình giờ sẽ như thế nào. Và liệu mình có tồn tại như ngày hôm nay không, hay số phận của mình cũng giống như vô vàn nạn nhân của tục “săn máu”.             

“Săn máu” – hủ tục của quá khứ

Theo GS.TS Trần Trí Dõi – Chủ nhiệm Bộ môn Ngôn ngữ và Văn hoá các dân tộc thiểu số Việt Nam, khoa Ngôn ngữ học, đồng thời kiêm nhiệm Giám đốc trung tâm Nghiên cứu phát triển các dân tộc thiểu số và miền núi (trường ĐHKHXH&NV, ĐH Quốc gia Hà Nội) thì, ông từng nghe đến tập tục này của người Cơ Tu. Đó là một hủ tục đã bị xóa bỏ từ rất lâu, tuy nhiên, trong quá khứ nó từng xảy ra và gây không ít kinh hoàng cho các đồng bào sống trên dãy Trường Sơn. Đó là một dạng nghi lễ gắn với tín ngưỡng nông nghiệp nguyên thủy, khá phổ biến trong lịch sử xã hội nhiều tộc người. Trong loại hình tín ngưỡng sơ khai này, máu đóng vai trò cực kỳ quan trọng, làm dẫn chất kết nối âm dương, trời đất - nhân tố cần thiết cho sự sinh trưởng và phát triển của cây trồng, tiền đề của sự no ấm.

          Đoàn Tân – Diệu Nam

Xem thêm video Tin tức: 



Theo doisong&phapluat
Share on Google Plus

About Unknown

This is a short description in the author block about the author. You edit it by entering text in the "Biographical Info" field in the user admin panel.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét