Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam, kính gửi đến các thầy cô, đặc biệt là giáo viên bậc học mầm non và phổ thông sự kính trọng, lòng biết ơn. Kính chúc các thầy cô luôn mạnh khỏe, dũng cảm bước tiếp sự nghiệp trồng người đầy cam go, vất vả...
Chúng ta đang sống trong thời đại công nghệ thông tin nên mọi biến động xã hội, hành vi, ứng xử của ngành giáo dục nói chung, và thầy cô giáo nói riêng luôn là đề tài nóng hổi và được quan tâm, “chăm sóc” quá mức.
Đáng buồn thay, tâm lý đám đông, lối hành xử thiếu suy ngẫm và "ném đá" vô tội vạ trên mạng xã hội là nguyên nhân dẫn đến thái độ bất kính của học sinh với giáo viên, khiến phụ huynh không còn kính trọng các thầy cô như trước.
Hãy công bằng với các thầy cô, đừng chỉ vì “con sâu làm rầu nồi canh”, vì một số cá nhân lạm dụng quyền lực để trục lợi mà chê trách tất cả giáo viên.
Đừng vì một vài cá nhân khoác áo nhà giáo đã có hành vi bạo lực hay vô đạo đức mà đi gán ghép, và quy nạp những điều xấu cho những người mang trọng trách “trồng người”.
Đừng vì một số rất ít giáo viên chỉ biết mải mê, dạy thêm làm giàu mà đánh đồng phần lớn giáo viên đều có thu nhập cao nên sống dư dả. Ai cũng phải mưu sinh và "cơm áo gạo tiền" là trách nhiệm bổn phận của bậc làm cha mẹ
Đừng quá nặng nề và nghĩ về nhà giáo chỉ biết dạy thêm hay "lạm thu", lỗi đó ở tầm vĩ mô và quản lý. Chúng ta hãy công bằng mà ngẫm xem, xã hội càng phát triển, thu nhập của người lao động ngày càng cao, tất cả mọi nhu cầu đều tăng theo, kể cả mong muốn được học tập và mở mang nâng cao, bồi dưỡng kiến thức.
Vấn đề ở chỗ tầm vĩ mô chưa nghĩ được giải pháp phù hợp mà chỉ biết “quản không xuể thì cấm” khiến hàng vạn học sinh có tố chất muốn tiếp thu kiến thức cao hơn, xa hơn phải “lén lút” tìm chỗ học.
Ngược lại, các trung tâm gia sư mọc lên như nấm, tha hồ hốt bạc dù phần lớn không đủ trình độ, và phương pháp sư phạm phù hợp với học sinh phổ thông.
Tôi dám chắc có đến 90% giáo viên chỉ đủ sống, bởi ngoài tiền lương, họ không hề có khoản tiền thưởng, tiền làm thêm hay tăng ca. Ngày lễ Tết, may mắn lắm họ mới được thưởng 50.000 hay 100.000 đồng.
Nếu cố chấp đem so sánh đời sống giáo viên với người lao động bình thường, chúng ta nên ngẫm xem để bước lên bục giảng, dồn tâm huyết cho việc giảng dạy, họ phải trải qua khoảng thời gian dài đào tạo ở trường và phải giữ gìn danh dự vất vả thế nào.
Để làm được điều đó khó lắm, không đơn giản như anh công nhân có thể la cà hàng quán, ăn nhậu say sưa. Giáo viên phần lớn sống dựa vào lương, thậm chí, những thầy cô sống ở vùng cao còn phải hy sinh cả tuổi thanh xuân, hạnh phúc gia đình, quyền lợi, vật chất và tinh thần để “trồng người”.
Ngay cả các đề án cải tiến của ngành giáo dục khiến học sinh trở thành “chuột bạch”, quý vị cũng đổ lỗi do thầy cô - những người đang trực tiếp dạy dỗ, giáo dục con em mình.
Thậm chí, vì không thể bảo ban, dạy dỗ con, nhiều phụ huynh cũng đổ hết tội lỗi cho thầy cô và nhà trường, nếu con cháu họ hư hỏng, hỗn láo, đánh nhau hay bỏ học...
Mỗi gia đình ngày nay phần lớn chỉ có một đến hai con, vì sao cha mẹ, ông bà không thể dạy dỗ, rèn luyện thói quen nề nếp, tính cách và hành vi ứng xử của con trẻ? Vì sao không thể dạy các cháu kỹ năng mềm và không dành thời gian để chăm sóc, động viên con cái học tập và nỗ lực vươn lên?
Ở lớp, mỗi thầy cô phải quán xuyến trên 40 học sinh, trong đó có cả những trường hợp cá biệt. Trong thời gian mấy tiết học ở trường, bằng “phép thần thông” nào để thầy cô vừa truyền đạt kiến thức, đặc biệt là các em có học lực yếu, vừa uốn nắn dạy dỗ, rèn luyện nhân cách tốt cho con cháu quý vị đây?
Ấy vậy mà có những phụ huynh tham dự cuộc họp kết thúc năm học, khi vừa nghe kết quả học tập rèn luyện của con mình đã “ném” ra những câu bất lịch sự, và đổ hết trách nhiệm: “Con tôi hư hay học kém là do các thầy cô vì tôi đã đóng… học phí”.
Đấy là suy nghĩ rất vô trách nhiệm. Xin thưa, khi sinh con ra, quý vị tận tường tính nết, thậm chí cả thói hư, tật xấu của trẻ. Cha mẹ có quyền quát nạt, thậm chí xử phạt, bỏ đói, đánh đập... mà vẫn bất lực hay không thèm quan tâm, thậm chí có người chấp nhận đó là đứa con bất trị, phải nhờ đến pháp luật.
Thử hỏi, giờ có thầy cô nào dám xử phạt, đánh đòn hay la hét con cháu quý vị không? Nếu làm như vậy, không chừng họ còn bị đưa lên mạng xã hội, bị kiểm điểm hay mất việc đấy ạ!
Tại sao phụ huynh không thể dạy dỗ con mình kính trọng và biết ơn thầy cô? Tại sao phải quy nạp nặng nề đến mức phủ nhận công sức và nỗ lực của họ, thậm chí nhiều người còn đánh đồng việc tặng hoa hay món quà nhỏ nhân ngày 20/11 là “mua chuộc", "đút lót”…
Nhiều bậc cha mẹ nghĩ việc tặng quà là để giáo viên châm chước hay nâng đỡ con cháu mình. Chính nhận thức lệch lạc và thái quá ấy dẫn đến việc trẻ ỷ lại, không những thế, chúng sẽ chỉ coi trọng vật chất mà không hiểu cách cư xử, không biết đến truyền thống “uống nước nhớ nguồn” vốn là bản sắc của dân tộc Việt Nam ngàn đời nay.
Ảnh: Việt Quý. |
Tôi không ủng hộ việc một số cá nhân hay tổ chức lấy cớ nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 sử dụng công quỹ để tặng hoa, tặng quà hay tổ chức tiệc tùng liên hoan cho lãnh đạo ngành giáo dục.
Là học sinh theo học các thầy cô từ thời bao cấp, đến nay tôi vẫn giữ nếp quen, đến ngày 20/11 lại nhớ đến thầy cô với lòng kính trọng và biết ơn sâu sắc. Không chỉ là người cha, người mẹ thứ hai, họ còn là tấm gương dạy dỗ chúng tôi nên người.
Do đó, tôi xem việc con tôi chúc mừng thầy cô nhân ngày 20/11, thậm chí tặng hoa hay món quà nho nhỏ là việc xã giao, quan tâm mà bất kỳ người nào được giáo dục cẩn thận đều làm như vậy.
Cứ đến ngày Nhà giáo Việt Nam, từ bậc học mầm non, tôi thường dặn dò con phải thăm hỏi, chúc sức khỏe thầy cô, kèm theo có thể chỉ là thiệp chúc mừng, bông hoa hay món quà nho nhỏ có ý nghĩa. Thế nên, cháu luôn lễ phép và kính trọng người lớn, đặc biệt là với các thầy cô.
Có thể, sẽ có một số người phản ứng với suy ngẫm và cách hành xử của tôi nhưng với con mình, tôi luôn dạy chúng về lòng biết ơn, sự kính trọng. Đồng thời, tôi cũng phân tích cho cháu nghe những hành vi hay cách hành xử của thầy cô, người lớn chưa đúng mực và nên làm gì?
Con người ta "nhân vô thập toàn" nên đừng bao giờ đòi hỏi thầy cô giáo phải là "vị thánh", bởi chính quý vị là bậc sinh thành chưa chắc đã là tấm gương để con cháu mình "soi".
Xin hỏi, mọi người có đồng ý với cách dạy dỗ và hành xử đó không?
>> Xem thêm: Phong bì cho giáo viên/ 20/11 và những bông hoa vạn thọ khô héo
Chia sẻ bài viết của bạn tại đây.
Theo Vnexpress.net
0 nhận xét:
Đăng nhận xét