Viêm phế quản cấp thường do nhiễm virut, vi khuẩn hoặc cả hai loại. Căn nguyên gây bệnh thường gặp nhất là do virut, nhưng nhiều nghiên cứu cho thấy có tới 70% số trường hợp viêm phế quản cấp được dùng kháng sinh. Để dùng kháng sinh hiệu quả trong điều trị, đồng thời phòng tránh tình trạng vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh, chúng ta cần có hiểu biết để lựa chọn kháng sinh điều trị viêm phế quản cấp.
Căn nguyên gây bệnh
Căn nguyên thường gặp nhất gây viêm phế quản cấp là: các loại virut: Influenza A và B, Parainfluenza, Rhinovirus... Các yếu tố nguy cơ gây bệnh gồm: hít phải khói thuốc lá, clo, amoniac, acid, dung môi công nghiệp, khói than...; nhiễm các yếu tố dị ứng: viêm phế quản cấp xảy ra ở trẻ em giống như cơn hen phế quản, viêm phế quản cấp hay xảy ra ở người hen, người bị nổi mày đay, phù Quink...; thay đổi thời tiết, nhiễm lạnh đột ngột; cơ thể suy mòn, còi xương, suy dinh dưỡng ở trẻ em, người bị suy giảm miễn dịch; ứ đọng phổi do suy tim; các bệnh lao phổi và ung thư phổi; môi trường sống ẩm thấp nhiều khói bụi...
Hình ảnh giải phẫu viêm phế quản.
Biểu hiện của viêm phế quản cấp
Bệnh nhân thường không có sốt. Ho khan hoặc có thể có khạc đờm trắng, màu xanh, màu vàng hoặc đục như mủ. Số ít người bệnh có khó thở. Hầu hết các biểu hiện lâm sàng của viêm phế quản cấp thường kéo dài khoảng 1 tuần thì hết, nhưng ho có thể kéo dài đến 20 ngày. Nên chỉ định chụp Xquang phổi cho các người bệnh có một trong các dấu hiệu: tuổi trên 75; mạch trên 100 lần/phút; nhịp thở trên 24 lần/phút; nhiệt độ trên 38oC; hoặc khám phổi thấy ran ẩm, ran nổ, hội chứng đông đặc.
Lựa chọn kháng sinh điều trị Khi nào sử dụng kháng sinh?
Hầu hết các trường hợp viêm phế quản cấp không cần dùng kháng sinh. Chỉ dùng kháng sinh đối với những trường hợp như sau: cải thiện các triệu chứng lâm sàng chậm hoặc gần như không cải thiện; bệnh nhân ho khạc đờm mủ, đờm màu vàng hoặc màu xanh; người bệnh có kèm bệnh tim, bệnh phổi, bệnh gan, thận, thần kinh cơ, người bị suy giảm miễn dịch; bệnh nhân trên 65 tuổi, có ho cấp tính; bệnh nhân trên 80 tuổi; đái tháo đường týp 1 hoặc týp 2; tiền sử suy tim sung huyết; hiện đang dùng corticoid uống.
Nên chọn kháng sinh nào?
Đối với Influenzavirus: không có thuốc điều trị đặc hiệu, trong trường hợp nặng có thể dùng các thuốc ức chế neuraminidase (oseltamivir hoặc zanamivir). Để đạt hiệu quả tối ưu, thuốc nên được dùng ngay trong vòng 48 giờ kể từ khi bắt đầu có triệu chứng. Thời gian dùng kháng sinh thường 7-10 ngày.
Nếu nguyên nhân gây bệnh là Mycoplasma pneumoniae hoặc Chlamydophila pneumoniae: khi người bệnh có ho kéo dài và triệu chứng đường hô hấp trên điển hình. Cả hai mầm bệnh này đều nhạy cảm với tetracyclin, macrolid và fluoroquinolon. Trong thực hành lâm sàng, các kháng sinh này thường chỉ được khuyến cáo điều trị theo kinh nghiệm khi có những vụ dịch bùng phát.
Viêm phế quản cấp ở người lớn hoàn toàn khỏe mạnh, dùng nhóm macrolid, doxycyclin hoặc kháng sinh thay thế là beta-lactam. Viêm phế quản cấp ở người lớn có dùng kháng sinh trong vòng 3 tháng gần đây: dùng beta-lactam phối hợp với chất ức chế beta-lactamase. Kháng sinh thay thế có thể dùng macrolid, doxycyclin. Viêm phế quản cấp ở người lớn có bệnh mạn tính: kháng sinh được khuyên dùng là beta-lactam phối hợp với chất ức chế beta-lactamase, quinolon. Ở những cơ sở y tế có điều kiện, tốt nhất là làm kháng sinh đồ và dùng kháng sinh theo kháng sinh đồ.
Ngoài ra trong điều trị viêm phế quản cấp, cần dùng thuốc giãn phế quản khi nghe phổi bệnh nhân thấy ran rít, ran ngáy. Bệnh nhân nên uống nhiều nước giúp cải thiện triệu chứng ho, khạc đờm. Khi đã điều trị tối ưu mà người bệnh còn ho nhiều, cần lưu ý tình trạng co thắt phế quản, hoặc cần lưu ý thêm các bệnh lý kèm theo như trào ngược dạ dày thực quản hoặc bệnh chưa được chẩn đoán chính xác.
Phòng bệnh
Muốn phòng bệnh viêm phế quản cấp, cần loại bỏ yếu tố kích thích như: không hút thuốc, tránh khói bụi trong nhà và ngoài nhà, nhất là những nơi môi trường ô nhiễm, giữ ấm vùng cổ, ngực vào mùa lạnh. Mọi người cần tiêm vắc-xin phòng cúm, vắc-xin phòng bệnh do phế cầu, đặc biệt ở những trường hợp có bệnh phổi mạn tính, suy tim, cắt lách, tuổi trên 65. Điều trị tích cực các bệnh nhiễm khuẩn tai mũi họng, răng hàm mặt, tình trạng suy giảm miễn dịch. Giữ vệ sinh răng miệng bằng việc chải răng ngày 2 lần khi thức dậy buổi sáng và buổi tối trước khi đi ngủ hoặc sau khi ăn.
BS. Hồng Ninh
Theo suckhoedoisong.vn
0 nhận xét:
Đăng nhận xét