Sau vụ tiêm kích F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay chiến đấu Su-24 của Nga, người ta đã hình dung ra một cuộc chiến tranh thế giới. Với xuất phát điểm chỉ là cuộc chiến chính nghĩa chống khủng bố, cụ thể là Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), nhưng với 2 đất nước hùng mạnh như Nga và Mỹ ở một bên chiến tuyến trong cuộc chiến này, đã làm cuộc chiến chống khủng bố ở đây thêm phức tạp. Nga và Mỹ có những mục tiêu khác nhau trong cuộc chiến này, mặc dù họ đều tuyên bố là chống khủng bố IS.
Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ máy bay Nga
Cuộc chiến đã thêm phần rắc rối nhất là sau sự kiện máy bay Nga bị Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ. 2 phi công nhảy dù ra ngoài không thoát khỏi họng súng của những kẻ nổi dậy. Trên mặt trận ngoại giao, Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng máy bay Su-24 của Nga đã vào không phận Thổ Nhĩ Kỳ còn Nga cho rằng họ đang ở trên đất Syria. Thổ Nhĩ Kỳ còn cho biết, nước này đã phát lệnh cảnh báo 10 lần trước khi bắn hạ máy bay Nga. Điều này cho thấy việc xây dựng một liên minh quốc tế rộng lớn chống lại các phần tử Nhà nước Hồi giáo (IS) là rất khó khăn.
Còn nhớ 1 năm trước Mỹ đã từng công bố xây dựng một liên minh hơn 50 quốc gia "làm suy giảm và cuối cùng là tiêu diệt" IS, nhưng dường như điều này không dễ dàng đến vậy. Sau vụ khủng bố ở Paris làm 129 người thiệt mạng mà Tổng thống Pháp Holland vẫn phải đi “gõ cửa” từng quốc gia như Nga, Mỹ để cùng hợp tác chống khủng bố, cho thấy các nước lớn đang không tìm được tiếng nói chung. Bởi lợi ích và mục tiêu mà họ hướng tới còn nhiều khác biệt, đặc biệt là vấn đề của bản thân Syria.
Theo các chuyên gia phân tích chính trị, mục tiêu thực sự của Nga ở Syria là hậu thuẫn cho Tổng thống Assad được nắm quyền ở Syria. Chỉ có ¼ các cuộc không kích của Nga ở Syria là nhằm vào IS còn lại là nhắm vào đối thủ của ông Assad.
Mỹ đã lên tiếng các bên nên kiềm chế tránh leo thang xung đột, nhưng cho rằng “Thổ Nhĩ Kỳ có quyền bảo vệ lãnh thổ và không phận của mình”. Sau vụ bắn hạ máy bay Nga, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ mất rất nhiều thời gian để có thể đứng về một phía trong cuộc chiến chống khủng bố ở khu vực này. Sau sự kiện này, Tổng thống V.Putin đã tuyên bố việc bắn rơi máy bay Nga là một cú “đâm sau lưng” với sự đồng lõa của những kẻ “khủng bố”, đồng thời cảnh báo thủ phạm của vụ việc này sẽ phải đối mặt với “những hậu quả nghiêm trọng”.
Khó khăn trong xây dựng liên minh quốc tế chống IS đồng nghĩa với việc cuộc chiến chống khủng bố sẽ còn dai dẳng và kéo dài vô hạn định. Phương Tây muốn ngay bây giờ và ngay lập tức IS phải bị xóa bỏ, nhưng con đường hiện thực hóa điều này còn đầy chông gai.
Hải Yến
Theo suckhoedoisong.vn
0 nhận xét:
Đăng nhận xét