Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc CCTV dẫn nguồn báo chí Nhật Bản đưa tin, gần đây trong chuyến thăm đến Hawaii Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani đã cho biết, Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản cân nhắc nhập khẩu hệ thống tên lửa đánh chặn mặt đất THAAD của Mỹ.
Hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD Mỹ |
Bộ Quốc phòng Nhật Bản giải thích, đây là lần đầu tiên Bộ trưởng Quốc phòng nước này xác nhận rõ ràng rằng sẽ nghiên cứu nhập khẩu THAAD. CCTV đặt câu hỏi: Nhật Bản tại sao lại muốn triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD, họ có tính toán chiến lược sâu xa như thế nào?
Triển khai THAAD có ý nghĩa quân sự lớn hơn
Trước đây, Hàn Quốc đã từ chối mua hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD của Mỹ. Hiện nay, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản lần đầu tiên cho biết rõ Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản sẽ cân nhắc nhập khẩu THAAD.
Nếu giao dịch này có thể thành công, THAAD triển khai ở Hàn Quốc và Nhật Bản có gì khác nhau?
Nhà quan sát quân sự Trung Quốc Lý Lỵ cho rằng, Mỹ triển khai hệ thống THAAD ở Hàn Quốc có nhân tố chính trị lớn hơn mục đích quân sự, triển khai ở Nhật Bản thì có giá trị quân sự thực tế hơn.
Nếu triển khai hệ thống THAAD ở Hàn Quốc, thời gian đánh chặn tên lửa của CHDCND Triều Tiên sẽ ở giai đoạn bay lên, giai đoạn đầu này đã mất đi tính năng quan trọng nhất của bản thân THAAD. Bởi vì, thứ quan trọng nhất của THAAD là đánh chặn đoạn giữa và đoạn cuối trong hành trình của tên lửa tầm trung và xa.
Xe chở tên lửa đánh chặn của hệ thống THAAD Mỹ |
Ngoài ra, nếu triển khai ở Hàn Quốc, phạm vi cảnh báo sớm của nó đối với tên lửa Trung Quốc và tên lửa Nga thực sự cơ bản ở giai đoạn đầu. Mỹ nếu cố tình muốn triển khai THAAD ở Hàn Quốc thì sẽ có ý nghĩa về mặt chính trị lớn hơn ý nghĩa về mặt quân sự.
Nếu triển khai ở Nhật Bản, khoảng cách từ đông sang tây của biển Nhật Bản khoảng trên 1.300 km, có thể đánh chặn đoạn giữa của hành trình tên lửa phóng từ Trung Quốc và Nga, đây là vị trí tương đối thích hợp.
Ngoài ra, bên cạnh sự cân nhắc giữa hai bên về quân sự, Nhật Bản cũng có tính toán riêng của họ. Tokyo hy vọng dựa vào hệ thống THAAD để nâng cao năng lực nghiên cứu phát triển, trong đó có sự phát triển tiếp theo của tên lửa SM-3.
Do hệ thống phòng thủ tên lửa SM-3 do Mỹ và Nhật Bản hợp tác nghiên cứu phát triển, hai bên cũng đã tiến hành thử nghiệm đánh chặn phòng thủ tên lửa mới nhất, khi thử nghiệm họ đã sử dụng tên lửa SM-3 Block 2A do Mỹ-Nhật hợp tác nghiên cứu phát triển.
Cho nên nếu THAAD triển khai ở vị trí này thì Mỹ và Nhật Bản sẽ có hợp tác về công nghệ, điều quan trọng hơn là Mỹ có thể tiếp tục dựa vào công nghệ và vốn của Nhật Bản, thúc đẩy sự phát triển sâu sắc hơn của hệ thống phòng thủ tên lửa tiếp theo của Mỹ.
Tên lửa đánh chặn của hệ thống THAAD Mỹ |
Đối phó với Trung Quốc và Nga
Nhà quan sát Lý Lỵ cho rằng, Nhật Bản luôn là khâu quan trọng tăng cường chuỗi phòng thủ tên lửa của Mỹ ở Đông Á, Mỹ muốn triển khai THAAD ở Nhật Bản, tiến hành đánh chặn có hiệu quả hơn đối với tên lửa tầm trung và xa của Trung Quốc và Nga.
Nhật Bản luôn là đồng minh hợp tác trung thành nhất của Mỹ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương về toàn bộ hệ thống phòng thủ tên lửa. Ngoài Mỹ, hệ thống phòng thủ tên lửa hiện nay của Nhật Bản là hoàn chỉnh nhất.
Lần này, nếu tiếp tục triển khai hệ thống THAAD ở Nhật Bản sẽ có nghĩa là đã tạo lập được 2 tầng đánh chặn măt đất. Một tầng là đoạn ở trong bầu khí quyển, tức là tầm thấp. Ngoài ra, còn có một tầng khác – đó là tầm cao ngoài bầu khí quyển, tức ở độ cao 150 km. Như vậy, đã hình thành mạng lưới đánh chặn tên lửa hai tầng chặt chẽ.
Hiện nay, ý đồ của Mỹ rất rõ ràng, do đặc điểm căn bản nhất của THAAD là nó có thể đánh chặn có hiệu quả tên lửa tầm trung và xa.
Trong nhiều thời điểm, CHDCND Triều Tiên tuyên bố về tầm bắn của tên lửa của họ. Nhưng nhìn vào tình hình bắn thử thực tế, họ chủ yếu bắn thử tên lửa tầm ngắn. Vì vậy, Mỹ và Nhật Bản lấy CHDCND Triều Tiên ra để che mắt, đối tượng ngăn chặn tiềm tàng chính là Trung Quốc và Nga.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Mỹ Barack Obama |
Mỹ-Nhật có tính toán đến vấn đề Biển Đông
CCTV bình luận, những năm gần đây Nhật Bản luôn lấy tên lửa đạn đạo của CHDCND Triều Tiên làm lý do, phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa mà Bắc Kinh cho là “vượt nhu cầu”.
Nhà quan sát Lý Lỵ cho rằng, lần này Mỹ-Nhật sở dĩ đạt đồng thuận triển khai THAAD ở Nhật Bản là do Nhật Bản ủng hộ hành động quân sự của Mỹ và có ý nguyện hợp tác, giúp cho quan hệ đồng minh quân sự Mỹ-Nhật tiếp tục chặt chẽ.
Mỹ và Nhật Bản muốn liên kết chặt chẽ hơn trong vấn đề Biển Đông. Hiện nay, Mỹ rõ ràng đang tự tuần tra ở khu vực Biển Đông, họ hy vọng Nhật Bản có thể tham gia hành động của Mỹ ở Biển Đông với một thái độ và tư thế nhất định.
Đáp lại, Mỹ bán hệ thống phòng thủ tên lửa tiên tiến nhất cho Nhật Bản. Vì vậy, bước tiếp theo Nhật Bản mặc dù không cùng xuất hiện với Mỹ một cách rõ ràng ở Biển Đông nhưng họ cũng sẽ can thiệp sâu vào tình hình Biển Đông, học giả Trung Quốc đánh giá.
Tình hình hiện nay cho thấy, sau khi tham dự Hội nghị cấp cao APEC ở Manila, ngày 19 tháng 11 Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã lập tức hội đàm với Tổng thống Philippines Benigno Aquino, hai bên đã ký kết một thỏa thuận chuyển giao trang bị và công nghệ,
Nhật Bản sẽ tặng 3 máy bay Beechcraft TC-90, máy bay tuần tra săn ngầm P-3C (do hãng Lockheed Martin sản xuất) và bàn giao 10 tàu tuần tra cho Philippines.
Từ ngày 5 đến ngày 6 tháng 11 năm 2015, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani thăm Việt Nam |
Ngoài ra, Nhật Bản và Việt Nam cũng đạt được thỏa thuận cho phép tàu chiến của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản đậu ở vịnh Cam Ranh, một căn cứ của Hải quân Việt Nam.
Như vậy, theo CCTV thì ý định can thiệp sâu vào Biển Đông trong tương lai của Nhật Bản rất rõ ràng, điều này rất có thể chính là nguyên nhân rất quan trọng của việc Mỹ-Nhật có thể nhanh chóng đạt được triển khai hệ thống THAAD ở Nhật Bản hiện nay.
Theo giaoduc.net.vn
0 nhận xét:
Đăng nhận xét