Một bản báo cáo dự báo các viễn cảnh về Syria đã được các nhà ngoại giao và trưởng bộ phận tình báo Anh soạn thảo...
Một phát hiện thú vị của tạp chí Financial Times cho thấy phương Tây, hay cụ thể là Anh, đã biết rõ những gì Nga đang làm tại Syria nói riêng và thế giới nói chung từ năm... 1957.
Trang bị vũ khí quy mô lớn cho chính phủ cầm quyền tại Damascus, phô diễn sức mạnh không quân Nga, không kích lực lượng thù địch trên lãnh thổ Syria, "dằn mặt" Thổ Nhĩ Kỳ, điều tàu chiến đến Địa Trung Hải khiến NATO "đứng ngồi không yên".
Một bản báo cáo dự báo các viễn cảnh nói trên đã được các nhà ngoại giao và trưởng bộ phận tình báo Anh soạn thảo...
... vào tháng 9/1957.
Khi đó, bản báo cáo này được dành cho Thủ tướng Anh bấy giờ, ông Harold Macmillan.
Tập trung phân tích những phương án mà điện Kremlin có thể áp dụng để đáp trả ý định thay đổi chế độ cầm quyền tại Damascus, bản báo cáo cho thấy từ lâu Moscow đã coi Syria là một con bài chiến lược và quyết tâm dập tắt mọi hành vi can thiệp của Mỹ vào quốc gia Trung Đông này.
Theo Financial Times, nó cũng cho thấy sự đối lập hoàn toàn so với cái cách mà Mỹ và phương Tây đã bị Nga gây bất ngờ tại Syria trong thời gian qua, cũng như một lần nữa khẳng định quy tắc "vàng" trong địa chính trị: ăn nhau là ở trận đánh lâu dài.
"Liên Xô sẽ nhìn nhận việc chính phủ Syria bị lật đổ như một mối đe dọa đối với họ tại Trung Đông. Họ sẽ tìm cách ngăn cản điều đó bằng mọi cách, trừ những phương án mà theo đánh giá của họ có thể dẫn đến chiến tranh với phương Tây" - bản báo cáo viết.
Cựu Thủ tướng Macmillan đã chấp thuận việc lưu hành bản báo cáo này chỉ trong nội bộ một nhóm nhỏ trong chính phủ Anh, thể hiện qua con dấu với dòng chữ "HM", 2 chữ cái đầu tiên trong họ tên ông (Harold Macmillan).
Cùng với 400 hồ sơ tình báo tuyệt mật liên quan đến nhiều chính sách đối nội cũng như đối ngoại của chính phủ Anh trong quá khứ, bản báo cáo nói trên đã được các nhà chức trách London cho phép công khai tại Tàng thư Quốc gia Anh hôm 23/10 vừa qua.
Năm 1957, với những cuộc khởi nghĩa do phương Tây hậu thuẫn, các phi vụ lật đổ chính quyền đã xảy ra trên khắp Trung Đông. Trong bối cảnh đó, Nga đã chủ động bắt tay với Syria bằng một hiệp ước hợp tác quân sự mà cho đến bây giờ vẫn còn hiệu lực.
Trả lời phỏng vấn FT, giáo sư Quan hệ Quốc tế thuộc trường Đại học Kinh tế London (LSE) danh giá, ông Fawaz Gerges, cho rằng đa phần những đánh giá về mối quan hệ Nga-Syria hiện nay chỉ mang tính bề nổi và xoay quanh bối cảnh hiện tại.
"Thực chất, Syria kể từ những năm 1950 đã là một con bài quan trọng của Nga. Những gì Nga đang làm tại Syria không phải là sản phẩm của hiện tại, mà là một sản phẩm đã ra đời từ những thập kỉ của Chiến tranh Lạnh.
Do đó, tôi không coi đây là một 'sự can thiệp' của Nga, mà tôi gọi nó là 'sự trỗi dậy' của Nga" - ông Gerges phát biểu.
Tất nhiên có nhiều chi tiết trong văn bản tuyệt mật năm 1957 của chính phủ Anh khác biệt so với hiện tại, cụ thể là các mối quan hệ ngoại giao. Khi đó Iran còn là đồng minh của phương Tây, còn Israel thì vẫn giận Mỹ sau vụ kênh đào Suez năm 1956.
Nhưng xét một cách tổng thể, thì bản báo cáo đó vẫn "giống" với những gì đang diễn ra ở thời điểm hiện tại một cách kì lạ, không khác gì một lời sấm truyền.
"Phản ứng của Liên Xô trước chính sách Mỹ áp dụng tại Syria có thể sẽ rất quyết liệt. Một phần chiến lược của Nga sẽ nhằm mục đích 'cải thiện tình hình' cho chính mình cũng như 'gây rắc rối' cho phương Tây ở bất kì nơi đâu có thể" - bản báo cáo viết.
Theo tintuc.vn
0 nhận xét:
Đăng nhận xét