Báo Trung Quốc vội mừng thầm vì vấn đề Biển Đông không được thảo luận ở APEC

Hãng tin BBC Anh ngày 18 tháng 11 đưa tin, cùng ngày, sau cuộc hội đàm với Tổng thống Philippines Benigno Aquino, Tổng thống Mỹ Obama tuyên bố, Trung Quốc cần phải chấm dứt hoạt động bồi lấp, xây đảo nhân tạo ở vùng biển tranh chấp trên Biển Đông.

Tổng thống Mỹ Barack Obama và người đồng cấp Philippines Benigno Aquino

Ông Obama còn tái khẳng định cam kết của Mỹ đối với Philippines trên phương diện phòng thủ và bảo đảm an ninh. Ông Obama còn cho biết, trông đợi hợp tác với các bên tranh chấp Biển Đông, giải quyết bất đồng.

Năm 2014, Mỹ và Philippines đã ký kết thỏa thuận quốc phòng mới, Mỹ có quyền sử dụng lâm thời một số căn cứ quân sự hiện có của Philippines và có thể triển khai trước vật tư quân sự ở Philippines.

Ông Obama cho biết, mặc dù xuất hiện một số vấn đề trong chi tiết thực hiện, nhưng ông tràn đầy lòng tin đối với thực hiện thỏa thuận hợp tác quốc phòng với Philippines.

Tổng thống Philippines Benigno Aquino thì cho biết, Philippines sẽ “giang hai cánh tay” hoan nghênh hiệp định này.

Vào ngày 17 tháng 11, ông Obama còn tham quan tàu tuần tra BRP Gregorio del Pilar và tái khẳng định Mỹ sẽ bảo đảm tự do hàng hải ở các vùng biển châu Á. Con tàu này từng thuộc Lực lượng bảo vệ bờ biển Mỹ, nhưng nó đã được tặng cho Philippines vào năm 2011.

Ngày 17 tháng 11 năm 2015, Tổng thống Mỹ Barack Obama tham quan tàu chỉ huy Hải quân Philippines

Theo hãng tin AP Mỹ, Trung Quốc đòi hỏi phần lớn vùng biển ở Biển Đông (yêu sách tham lam, lố bịch và bất hợp pháp), làm cho quan hệ giữa họ với các nước láng giềng như Philippines và Việt Nam bị rạn nứt.

Tờ “Thời báo Hoàn Cầu” Trung Quốc ngày 18 tháng 11 cũng có bài viết cho hay, cùng ngày Hội nghị cấp cao APEC bắt đầu tổ chức ở thủ đô Manila, Philippines.

Trước khi tổ chức hội nghị vài giờ, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã có cuộc họp báo với người đồng cấp Philippines Benigno Aquino.

Ông Obama đã nói về vấn đề Biển Đông, cho biết: “Chúng tôi đồng ý cần thiết triển khai các biện pháp quyết đoán, giảm căng thẳng, bao gồm cam kết chấm dứt các hoạt động bồi lấp, xây mới công trình và quân sự hóa vùng biển có tranh chấp ở Biển Đông”.

Theo tờ “Tin tức Liên hợp” Đài Loan ngày 18 tháng 11, ông Obama cho biết, ông đã cùng Tổng thống Philippines thảo luận về các ảnh hưởng từ việc Trung Quốc xây dựng bất hợp pháp đảo nhân tạo đối với sự ổn định khu vực. Ông cho rằng, cần phải giải quyết tranh chấp theo phương thức hòa bình.

Tổng thống Mỹ Barack Obama và người đồng cấp Philippines Benigno Aquino

Vấn đề Biển Đông không được đưa vào chương trình nghị sự của hội nghị APEC, ông Obama cũng không đề cập đến Biển Đông. Ông lựa chọn cuộc họp báo để nhắc đến vấn đề này, tờ “Thời báo Hoàn Cầu” Trung Quốc ví von đểu về ông Obama là ông đã “càu nhàu ở hành lang”.

Ngoài ra, trước đó 1 ngày, ông Obama cũng đã tham quan một chiếc tàu chiến của Philippines, đồng thời tuyên bố muốn cung cấp viện trợ 259 triệu USD để tăng cường năng lực an ninh biển cho các nước Đông Nam Á.

Theo tờ “Thời báo Hoàn Cầu”, trong các cuộc đối thoại song phương, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cũng đã đề cập đến vấn đề Biển Đông, nhưng những quan tâm đối với phát biểu của ông ít hơn nhiều.

Philippines là nước chủ nhà của Hội nghị cấp cao APEC, chỉ nói đến vấn đề Biển Đông trong các hoạt động song phương với Mỹ và Nhật Bản, cấp độ “không cao lắm” – báo Đảng Trung Quốc mừng thầm.

Trước thềm Hội nghị cấp cao APEC, Philippines và Việt Nam tuyên bố ký kết Hiệp định quan hệ chiến lược, hàm nghĩa của động thái này rõ ràng không mơ hồ, nhưng hai bên không công khai đề cập đến Trung Quốc.

Tổng thống Mỹ Barack Obama và người đồng cấp Philippines Benigno Aquino

Trước hội nghị, Mỹ cho biết, sẽ mạnh mẽ thảo luận vấn đề Biển Đông ngoài chương trình nghị sự, nhưng đến nay ảnh hưởng của họ đối với tiến trình và không khí hội nghị là có hạn. Bài báo tỏ vẻ “vui mừng” về vấn đề Biển Đông không trở thành vấn đề nóng của hội nghị lần này, cho rằng, Trung Quốc đã không phải chịu thêm áp lực “mới”.

Nhưng có lẽ bài báo đã nhầm, đằng sau các tuyên bố nhẹ nhàng còn có các hành động rất cụ thể trong việc tăng cường các quan hệ ngoại giao và quân sự ở khu vực trước các hành động bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông như việc Mỹ tăng cường hiện diện quân sự và viện trợ quân sự cho các nước Đông Nam Á, củng cố liên minh.

Hơn nữa, Hội nghị cấp cao ASEAN và Hội Nghị cấp cao Đông Á sẽ khác với Hội nghị cấp cao APEC. Ở đó, việc đưa ra các vấn đề an ninh sẽ được hoan nghênh hơn và cũng là vấn đề quan trọng trong hợp tác khu vực.

Ngoài ra, tờ “Tin tức Liên hợp” Đài Loan ngày 18 tháng 11 cũng cho rằng, Tổng thống Mỹ kêu gọi Trung Quốc chấm dứt hoạt động xây dựng bất hợp pháp ở Biển Đông đã “làm gia tăng áp lực lên Bắc Kinh” ở Hội nghị cấp cao APEC.

Chiều ngày 17 tháng 11 năm 2015, tại Phủ Tổng thống Philippines, Chủ tịch nướcViệt Nam Trương Tấn Sang đã có cuộc hội đàm với Tổng thống Philippines Benigno Aquino. Sau đó, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Philippines đã chứng kiến Bộ trưởng Ngoại giao hai nước ký Tuyên bố chung về việc thiết lập quan hệ đối tác chiến lược.

Tờ “Thời báo Hoàn Cầu” Trung Quốc nghĩ rằng, quốc gia có tranh chấp lãnh thổ nghiêm trọng nhất với Trung Quốc ở Biển Đông muốn có được “không gian xoay xở” trong quan hệ với Trung Quốc, không muốn đối kháng toàn diện với Trung Quốc.

Bài báo nhấn mạnh, Trung Quốc có vai trò ảnh hưởng không ngừng tăng lên ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, hơn nữa, Trung Quốc lại có ưu thế địa lý ở khu vực này, không như Mỹ từ xa đến, chiến tuyến cũng xa.

Như vậy, bài báo có lẽ cho rằng, vì chiếm “ưu thế” mà Trung Quốc thích làm thì cũng được ở Biển Đông và khu vực, chẳng hạn bành trướng lãnh thổ và quân sự?!

Theo bài báo, trong thời gian gần đây, Trung Quốc và Mỹ đã trực tiếp đọ sức trong vấn đề Biển Đông. Mỹ đã sử dụng các nước cờ như tấn công và bao vây về mặt dư luận, thách thức về ngoại giao và răn đe về quân sự. Mỗi một con bài do Mỹ đưa ra đều gây khó khăn cho Trung Quốc và “tôi luyện khả năng chịu đựng” của Trung Quốc.

Bài báo viết như vậy thì có lẽ bài báo nghĩ rằng, cho dù bị phê phán vi phạm luật pháp quốc tế, bất chấp đạo lý thì giới bành trướng Bắc Kinh cũng không biết xấu hổ là gì, luyện đến mức như vậy thì thật là tài. Bài báo cho đây là “kinh nghiệm quan trọng” trong quan hệ với Mỹ, đó là quan hệ “đấu đá mà không phá hoại”.

Chiều ngày 17 tháng 11 năm 2015, tại Phủ Tổng thống Philippines, Chủ tịch nướcViệt Nam Trương Tấn Sang đã có cuộc hội đàm với Tổng thống Philippines Benigno Aquino. Sau đó, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Philippines đã chứng kiến Bộ trưởng Ngoại giao hai nước ký Tuyên bố chung về việc thiết lập quan hệ đối tác chiến lược.

Tờ “Hoàn Cầu” cũng tự tin là nếu Mỹ tìm cách ngăn chặn vai trò của Trung Quốc, tìm cách lấy gông xiềng để “trói chân tay” của Trung Quốc thì vai trò của Mỹ sẽ “giảm mạnh” và sẽ cảm thấy mình đã “suy yếu” khi bị “thất bại liên tiếp”. Đấy là quan điểm riêng của bài báo, nó cho thấy, cuộc chiến giữa Trung-Mỹ ở khu vực đang diễn ra quyết liệt hơn.

Bình luận về sự can dự của Mỹ ở Biển Đông, trang mạng Sputnik Nga ngày 18 tháng 11 cho rằng, các dấu hiệu cho thấy, Mỹ vẫn sẽ nỗ lực ngăn chặn Trung Quốc ở khu vực này.

Washington tìm mọi cách thông qua tranh chấp Biển Đông để tăng cường vai trò ảnh hưởng của mình, xây dựng mình thành người bảo đảm an ninh để đạt mục đích ngăn chặn Trung Quốc.

Thẩm Thế Thuận – chủ nhiệm Trung tâm nghiên cứu Nam Thái Bình Dương, Viện nghiên cứu các vấn đề quốc tế Trung Quốc cho rằng, hành động của Mỹ “không mang tính xây dựng”, là hành động chống lại Trung Quốc.

Ông Thuận cho rằng: “Mỹ không muốn nhìn thấy vai trò ảnh hưởng của Trung Quốc trong các nước ASEAN ngày càng tăng cường, Mỹ không đạt được về kinh tế thì phải giành lấy ưu thế về quân sự”.

Sách sử và bản đồ chính thống, ít nhất là ở triều đại cuối cùng nhà Thanh khẳng định với con cháu Trung Hoa rằng, cực nam Trung Quốc là đảo Hải Nam!

Mặc dù cực nam của Trung Quốc là đảo Hải Nam và Trung Quốc không có chủ quyền đối với các đảo đá ở Biển Đông, nhưng ông Thuận cho rằng, việc Mỹ cho tàu chiến tuần tra vùng biển 12 hải lý của đảo nhân tạo vừa qua là “xâm phạm chủ quyền” của Trung Quốc.

Cái loa tuyên truyền của Bắc Kinh vẫn thường phát liên tục để tuyên truyền xuyên tạc như vậy. Mục đích luôn là nhồi sọ những người không hiểu biết ở Trung Quốc cũng như trong cộng đồng quốc tế, từ đó nói nhiều thành quen và hy vọng nhận được sự đồng tình của quốc tế, rồi dần dần biến không thành có, biến lãnh thổ và vùng biển của Việt Nam và các nước ven Biển Đông thành của Trung Quốc. Nhưng, Việt Nam và cộng đồng quốc tế chắc chắn sẽ không để điều này xảy ra!

Theo bài báo, bất kể là vũ trang cho liên minh đã có hay xây dựng liên minh mới đều là một bộ phận quan trọng trong chiến lược củng cố trật tự thế giới đứng đầu là bản thân của Mỹ. Ngoài ra, Mỹ cùng hy vọng các nước trong khu vực tin là có sự ủng hộ của họ, trong khi họ còn đang bận rộn ở nhiều nơi trên thế giới.

Bài báo cho rằng, tranh chấp lãnh thổ nóng lên và sự tăng cường can thiệp của Mỹ đang từng bước làm cho khu vực này xuất hiện “chiến tranh Lạnh”.

Trung Quốc không có chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, nhưng họ đang ra sức tiến hành bành trướng lãnh thổ và bành trướng quân sự ở Biển Đông, trong đó có hai quần đảo của Việt Nam.

Nhìn vào các hành động của Mỹ ở Biển Đông, chuyên gia Trung Quốc cũng cho rằng, Mỹ thực sự đã “lật bài ngửa” với Trung Quốc, có nghĩa là sự can thiệp của Mỹ trong thời gian sẽ gia tăng mạnh mẽ, không còn như trước.

Xu thế gia tăng các hoạt động giữa các bên liên quan xoay quanh vấn đề Biển Đông sẽ là tất yếu, đòi hỏi Việt Nam biết nắm bắt thời cơ, vượt qua thách thức, tận dụng mọi điều kiện có lợi, tích cực hành động để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của mình, đánh bại mọi hành động bành trướng, bá quyền. 



Theo giaoduc.net.vn
Share on Google Plus

About Unknown

This is a short description in the author block about the author. You edit it by entering text in the "Biographical Info" field in the user admin panel.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét